Năm 2019, Ban chấp hành Họ Trần (BCHHT)
Việt Nam phổ biến ba tập văn bản gồm một số bài viết của BCH và các tài liệu
khác nói về “Ông Đào Trần Quang Cát và Hội đồng Họ Trần Việt Nam”, là không
khách quan bởi trái với Quốc sử, đạo lý và sự xác nhận của các văn bản Nhà nước
hiện hành.
Văn bản số 1854/UBND-TCD ngày 13/5/2019
của UBND tỉnh Thái Bình trả lời đơn kiến nghị và phản ánh của Hội đồng Họ Trần
Việt Nam, tại điểm 1, về việc cho phép tu sửa, tôn tạo “Đền nhà ông” viết: “Đền nhà ông” là cơ sở thờ tự của dòng họ
Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, không phải là di tích lịch sử văn hóa đã
được xếp hạng …. Điểm 3, về việc sử dụng đất để xây dựng “Đền nhà ông” tại thôn Phương La, xã Thái
Phương, huyện Hưng Hà, theo báo cáo số 92/BC-UBND ngày 22/4/2019 của UBND huyện
Hưng Hà: “Trong quá trình thực hiện đo
đạc bản đồ năm 1986 và 1992, “Đền nhà ông” chỉ còn phần bệ móng, nên không thể
hiện trên hồ sơ quản lý. Đến năm 2007, đo đạc hiện trạng và lập bản đồ địa
chính xã Thái Phương, “Đền nhà ông” được thể hiện tại thửa đất 326, tờ bàn đồ
số 8, tỷ lệ 1/1.000, diện tích 720,4 m2, loại đất tín ngưỡng”.
Theo đó, “Đền nhà ông”, là nơi thờ tự của dòng họ Trần xã Thái Phương tọa lạc
tại thôn Phương La, có diện tích đất tín ngưỡng là 720,4 m2 tại thời điểm năm 2007, và không phải là khu di tích lịch
sử văn hóa đã được xếp hạng. Thế nhưng tại Hội thảo khoa học ngày 9/1/2007,
nhân 750 năm chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược và Kỷ niệm 814 năm ngày sinh
của Thái sư Trần Thủ Độ, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân
tỉnh Thái Bình tổ chức với tiêu đề: “Hoằng
Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La”.
Với duy nhất là phần bệ móng của miếu
thờ cũ mà gọi là Khu di tích Lịch sử -
Văn hóa Phương La ? và Hoằng Nghị Đại Vương là ai ?
Theo tư liệu khảo sát vào năm 2006
của PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết, từ đường họ Trần
làng Phương La gồm một ngôi nhà tổ và một căn nhà lưu niệm của dòng họ. Bài vị
nhà tổ ghi: “Trần Hoàng (皇) Nghị đại vương Thượng đẳng phúc thần
linh vị. Mệnh phụ phu nhân Trần môn linh vị Tiên Dung Hoa Nương hiệu Hoàng (黃) Đức Mây, Tô Thị Hoa Nương, Quế Thị
Hoa Nương”. Và ông
khẳng định: “đến thời điểm chúng tôi khảo
sát thì ở từ đường họ Trần làng Phương La có bài vị thờ Trần Hoàng Nghị đại
vương cùng phu nhân, nhưng không có tư liệu nào liên quan đến Trần Thủ Độ”(chữ
hoàng (皇) và chữ hoằng (弘) , về tự hình rất khác biệt).
Tại hội thảo khoa học nhân kỷ niệm
800 năm ngày sinh danh nhân Trần Thủ Độ (1194-1994) do Viện Sử học Việt Nam và
UBND tỉnh Thái Bình tổ chức, cụ Dương Quảng Châu (cố Cộng tác viên Ban nghiên cứu lịch sử tỉnh Thái Bình) là người
đưa ra giả thuyết thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị, và Trần Hoằng
Nghị là người đầu tiên khai khẩn đất làng Ứng Mão (nay là thôn Phương La). Cụ
Dương Quảng Châu sau đó còn có một số bài viết để chứng minh giả thuyết trên thành
sự thật lịch sử, nhưng tất cả đều là duy ý chí.
Từ bài viết của cụ Dương Quảng Châu,
được cụ Trần Xuân Sinh đưa vào sách Thuyết
Trần – Sử nhà Trần, ấn hành vào năm 2003. Xét về nghĩa thì Thuyết Trần không đồng nghĩa với Sử nhà Trần, nếu cụm từ “Sử nhà Trần” nguyên của tác giả Xuân
Sinh thì lỗi ấy thuộc về Nhà xuất bản. Ấy vậy, mà tại hội thảo khoa học tháng
1/2007 tại Hà Nội, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thái Bình tổ
chức, PGS.TS Nguyễn Minh Tường đã sử dụng các tư liệu do cụ Dương Quảng Châu
công bố như là một bằng chứng không thể thay thế, để kết luận rằng thân phụ của
Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và ghi vào chính sử “Lịch sử phổ thông Việt Nam” tập 3 do ông làm chủ biên: “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở khu
Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng
Hà, tỉnh Thái Bình)” và “Thân phụ của
Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị”.
PGS.TS Phạm Quốc Sử - Đại học Thủ đô
Hà Nội, nhận xét hết sức chân thực và khách quan về phát kiến của cụ Dương
Quảng Châu: “Là người tiếp xúc với Dương
Quảng Châu khi ông còn sống trong một số lần sinh hoạt ở Hội Khoa học lịch sử
tỉnh Thái Bình … ông là một cụ già có nét lam lũ nhưng ham mê nghiên cứu lịch
sử khiến tôi không tin những bài viết của ông nhằm vụ lợi, mà do ông đã làm
việc thiếu thận trọng, thiếu một nghiên cứu khoa học, thiếu những kỹ năng cần
thiết của một người làm công tác điền dã, một người làm nghiên cứu chuyên
nghiệp …… Dương Quảng Châu với những
công bố về Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương là không đáng tin cậy, là
điều đáng tiếc chứ không đáng bị chỉ trích nặng nề. Nhưng những người sử dụng
công bố thiếu căn cứ của ông thì đáng trách, đáng chỉ trích. Trước hết, đó là
tác giả Nguyễn Minh Tường và một số người khác đã mặc nhiên công nhận Hoằng
Nghị đại vương là cha của Trần Thủ Độ, đã biến những thông tin thiếu căn cứ
khoa học thành kiến thức lịch sử trong các công bố rộng rãi. Tiếp đến là chính
quyền tỉnh Thái Bình, là các cơ quan chuyên môn từ Viện Sử học đến Sở Văn hóa
thông tin tỉnh Thái Bình đã để cho những công bố không có căn cứ khoa học về
thân phụ Trần Thủ Độ được mặc nhiên công nhận như một sự thật lịch sử”.
Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) là
có căn cứ do Phan Phu Tiên – Quốc sử viện đời Lê ghi chép nơi chính sử: “Giáp Tý năm thứ 7 (1264). Mùa xuân tháng
giêng Thái sư Trần Thủ Độ chết (thọ 71 tuổi), truy tặng Thượng phụ Thái sư
Trung Vũ Đại Vương”. Nhưng nói Trần Thủ Độ sinh ra ở khu Bến Trấn nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái
Bình là việc làm rất xa lạ. Bởi trong 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông dưới
triều Trần, ĐVSKTT ghi chép không ít địa danh lịch sử như: bến Chương Dương; bến Vạn Kiếp; Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng, trên cầu
Long Biên); cửa Hàm Tử; cửa sông Bạch Đằng; cừa biển Đại Bàng; Tam Tri Nguyên
(sông Ba Chẽ); Sông Nam Triệu; sông Lô (sông Hồng); vụng Đa Mỗ, các làng Ba
Điểm, Bàng Hà … nhưng không thấy địa danh Bến Trấn, và đọc khắp bộ ĐVSKTT,
bộ Đại Nam thực lục ghi chép cả hơn ngàn năm lịch sử của nước Đại Việt, cũng
không thấy địa danh này và địa danh làng Ứng Mão (Mẹo) thuộc xã Thái Phương
ngày nay.
Sách “Đền thờ Tổ Họ Trần Việt Nam ”
do 2 ông Trần Văn Sáu và Trần Đại Thanh viết: “Cụ Hoằng Nghị người cao lớn, sức vóc cường tráng, văn võ song toàn, tài
cao đức trọng. Khoảng năm (1138-1175) cụ chuyển lên Bến Trấn (nay thuộc thôn
Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà). Cụ có 4 phu nhân … Cụ tổ chức dạy
võ, dạy chữ, dạy văn cho dân, tham gia chính quyền, làm quan giúp dân, giúp
nước. Khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, Cụ quyết định thành lập đội Quân dân binh hùng mạnh lấy tên quân
Tinh Cương, liên kết với khu Bến Trấn, khu Hải Ấp của người anh là Trần Lý
…”. Về gia phả học không thấy 2 ông trích dẫn gia phả dòng Trần đền Nhà Ông của
thôn Phương La, mà viết: “Căn cứ cổ phả
họ Trần Đại Việt do thống tôn đời thứ 27 Trần Đình Nhân còn lưu giữ được, thì
Đức Hoằng Nghị Đại Vương – Thượng đẳng phúc thần có húy danh là Trần Thủ Huy,
chính là thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Theo thông tục kiêng gọi húy
danh mà chỉ gọi danh thần trong sắc vua phong của ngài là Hoằng Nghị Đại Vương”.
Rất khó tin những ghi chép này bởi không có bản photo Hán tự cổ phả họ Trần Đại
Việt đính kèm để minh chứng.
Cũng theo báo cáo của BCHHT Việt Nam,
tại Hội thảo khoa học “Thái Bình với sự
nghiệp thời Trần”, do UBND tỉnh Thái Bình – Ban Thường vụ tỉnh ủy phối hợp
với Viện Sử học tổ chức vào tháng 4 năm 1986, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân nêu:
“Trần Thủ Độ sinh năm 1194 – Giáp Dần, ở
làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng”. Đến năm 2001, sách “Các triều
đại Việt Nam” của 2 tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng chép: “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần 1194, ở làng Lưu Xá, Hưng Nhân tỉnh Thái
Bình”, có một số chữ khác nhau, nhưng về nội dung của hai trích dẫn trên là
một và đều không ổn. Bời ĐVSKTT duy nhất một lần chép về địa danh lịch sử Lưu
Xá: “Trị Bình Long Ứng thứ 5 (1209), Hoàng
thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan
sắc bèn lấy làm vợ… Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước Minh Tự,
phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”. Xác
nhận Hoàng tử Sảm triều Lý gặp Trần Thị Dung tại thôn Lưu Gia, Hải Ấp, và Tô
Trung Từ cậu ruột của bà được phong làm Điện
tiền chỉ huy sứ đồng thời với tước
Minh Tự của cha. Điều này có thể hiểu Lưu Gia – Hải Ấp là quê ngoại của bà
Dung. Còn quê nội là hương Tức Mặc nơi dựng Tiên miếu nhà Trần. Mở đầu Kỷ nhà
Trần – Trần Thái Tông viết: Trước kia tổ
tiên vua là người đất Mân (có người
nói là người Quế Lâm), có người tên là (Trần) Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ
Thiên Trường, sinh ra (Trần) Hấp, (Trần) Hấp sinh ra (Trần) Lý, (Trần) Lý sinh
ra (Trần) Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ 2 của (Trần) Thừa, mẹ
họ Lê … Kiến Trung năm thứ 7 (1231), mùa thu tháng 8, vua (Thái Tông) ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở Tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong
hương theo thứ bậc khác nhau. Đến Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 8 (1239), vua sai
Phùng Tá Chu về hương Tức Mặc xây
dựng nhà cửa, cung điện …. An Nam
chí lược của Lê Tắc viết: “Đến nhà Trần
nối theo nhà Lý lấy đất ấy đặt thêm 3 phủ nữa là: Long Hưng, Thiên Trường,
Trường An”, và giải thích: “Long Hưng
phủ tên cũ là Đa Cương hương, tổ tiên họ Trần lúc còn hàn vi đi qua một cái cầu
khe, khi qua rồi, ngoảnh lại không thấy cầu nữa. Chẳng bao lâu họ Trần được
nước, người ta gọi khe ấy là Long Khê, nên đổi tên Đa Cương làm Long Hưng.
Thiên Trường phủ tên cũ là Tức Mặc
hương, nơi phát tích họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành cung
tại đó, mỗi năm đến 1 lần, để tỏ ra là không bỏ quên chỗ phát tích của ông bà,
rồi đổi tên làm Thiên Trường phủ, chỗ ấy có nước thủy triều chảy quanh thành, 2
bên bờ mọc đầy cây hoa, khí thơm ngát người, hoa thuyền qua lại giống như cảnh
tiên vậy”. Bia ký đền Trần tại hương Tức Mặc xác nhận: “Đền Trần tại Thiên Trường được xây dựng lại
vào năm 1695 trên nền Thái miếu cũ của
nhà Trần bị quân Minh phá hủy hồi thế kỷ 15”. Và phong cảnh đẹp nơi
hành cung phủ Thiên Trường, Trần Thánh Tông cũng đã từng gửi gắm trong ý thơ:
“Cảnh
thanh u vật diệc thanh u,
Thập nhất tiên châu thử nhất châu”
Tiên miếu Nhà Trần là nơi phụng thờ
Tổ tiên hoàng tộc nhà Trần tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường rất rõ là vậy.
Thế nhưng tại Báo cáo của BCHHT trang 11, viết: “Gia phả họ Trần ở Tức Mặc – Hà Nam Ninh hiện còn lưu giữ bài thơ nguyên
văn chữ Hán: “Đáo Tổ Trần Miếu”
(Thăm đền thờ Tổ Nhà Trần) của cử nhân Bố
chánh tỉnh Cao Bằng Trần Đôn Phục (1826-1887), đến nay mới vỡ lẽ, đó là cụ tổ Trần Hoằng Nghị, thân phụ của Thống quốc
Thái sư Trần Thủ Độ, … tại xã Hương La” (không thấy chép bài thơ ấy).
“Đền nhà ông” thờ: “Trần
Hoàng 皇 Nghị đại vương Thượng đẳng phúc thần
linh vị. Mệnh phụ phu nhân Trần môn linh vị Tiên Dung Hoa Nương hiệu Hoàng 黃 Đức Mây, Tô Thị Hoa Nương, Quế Thị
Hoa Nương”, là
tổ của tộc Trần thôn Phương La, BCHHT Việt Nam nhận làm Tô của Họ Trần Việt Nam
cùng 3 phu nhân được thờ chánh vị, nhưng đều không rõ hành trạng. Đền có phụ
thờ Tổ tiên và các hoàng đế nhà Trần với những bức tượng chỉ bằng 1/10 tượng
chánh vị. Do đó, cụ Đào Trần Quang Cát - Hội đồng Họ Trần Việt Nam kiến nghị cơ
quan chức năng Nhà nước xóa bỏ danh xưng “Đền thờ Tổ Họ Trần Việt Nam”, nơi
tầng thượng của “Đền nhà ông” là đúng. Trước kia, Việt Nam ta trăm họ cùng
chung một tổ, đó là Quốc Tổ Hùng Vương,
nay họ Trần ta hay một họ nào đó muốn tìm một vị Tổ họ riêng, quả là không đơn
giản, bởi chí ít vị tổ đó phải có danh phận rõ ràng trong lịch sử và có thế đại
cao nhất trong họ tộc. Ngài Trần Hoàng Nghị hay Hoằng Nghị Đại Vương là nhân
thần hay thiên thần và do triều đại nào sắc phong chưa rõ, sao vội tôn làm tổ
họ Trần Việt Nam, lại đứng trên tiên tổ và các hoàng đế nhà Trần từng làm nên
chiến công sáng chói trong lịch sử 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Tộc phả
dòng Trần thôn Phương La truyền hạ đến nay là bao nhiêu đời, chưa thấy ai đề
cập ? Nếu tộc phả ấy được công khai với các nhà Gia phả học, thì hành trạng của
ngài Hoàng Nghị sẽ được làm sáng tỏ và giải thích vì sao Ngài có đến 3 phu
nhân, còn các đời tiên tổ của vua Trần Thái Tông chỉ có một phu nhân và về sau
đều được truy tôn, gia tôn là hoàng đế, hoàng hậu.
Văn bản số 1854/UBND-TCD ngày
13/5/2019 của UBND tỉnh Thái Bình còn cho biết diện tích đất liền kề “Đền nhà
ông” là 41.106,2 m2, được UBND huyện Hưng Hà đồng ý cho phép chuyển mục đích sử
dụng đất và cho ông Trần Văn Sen thuê
đất, thời hạn 49 năm để thực hiện dự án “Đầu
tư xây dựng vườn sinh vật cảnh, bảo tồn đa dạng sinh học và khu du lịch sinh
thái”. Nay thành khu “Thiết chế tâm
linh của bà con họ Trần cả nước – bc/ trang 11” là đúng hay sai ?
Báo cáo BCHHT trang 7: “Tại hội thảo này (2007), các nhà khoa học
lịch sử, các vị có học hàm, học vị thông qua khảo cứu lịch sử, điền dã, dịch
thuật các văn bản cổ, bài vị, thần sắc có từ năm 1938 khẳng định: Thái sư Trần
Thủ Độ sinh năm 1194 tại làng Lưu Xá huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng nay là huyện
Hưng Nhân, Thái Bình, là con của Đức Hoằng Nghị Đại Vương …”. Báo cáo viết
là vậy nhưng kỳ thực các văn bản ấy chẳng có quan hệ nào đến Trần Thủ Độ hay
Trần Hoàng Nghị như sau:
- VĂN BIA ĐÌNH AN HẠ tại thôn Miễu
(xóm 1), xã Đông Quang, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình, bản ảnh và bản dịch văn
bia của PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện nghiên cứu Hán Nôm): “Lá ngọc cành vàng được sinh ra từ Thần minh, Thánh đức, công lao ấy
sáng rực đất trời, không thể không khắc bia để truyền lại muôn đời bất hủ.
Vào triều Lý, An Hạ vương là cháu của vua (Lý) Anh Tông (1138-1176), là
bậc sang quý lắm vậy. Ngài vốn là người ở sách Động Nhuế, được hoàng hậu Cao
Tông họ Đàm là chị, và Thái phó Đàm Dĩ Mông là anh, gả Đàm Chiêu Trinh em gái
tức phu nhân An Hạ vương (thứ tự chị em: Đàm hoàng hậu, Đàm Dĩ Mông, Đàm Chiêu
Trinh). Vào năm Thiên Gia Bảo Hựu (1202-1204) đời vua (Lý) Anh Tông, Ngài phụng
mệnh đi dẹp giặc Chiêm, được nhân dân ủng hộ theo về. Xét công lao ấy phong
tước An Hạ vương, cho trấn nhậm đất Nghệ An. Đến Trần quốc triều, năm Mậu Thìn – Thiệu Long thứ 11 (1268) tháng 8
nhuần ngày mồng 3, vương và phu nhân mất. Được tin, Trần Thánh Tông vô cùng
thương xót, cho làm lễ truy niệm, cho khắc vào bia đá để truyền mãi đời sau.
Công lao to lớn của Ngài từ 2 triều (Lý Trần) trở đi, xứng được lưu truyền muôn
thuở trong sử sách. Gia phong “Hoàng
tông vinh tộc (ban họ Trần nhà vua) quý thịnh linh ứng diễn phúc phù tộ hoằng
độ thâm lược An Hạ đại vương”, bà phi được phong “Đàm thị tộc huân hạnh tiêu Chiêu Trinh phu nhân”. Chuẩn cho 2 cỗ
quan tài đồng đưa về táng tại Ninh Cường thổ phụ nguyên quán Đàm thị, cho lập
lăng miếu từ sở, cho dựng bia chí, sức (lệnh) cho dân bổn ấp phụng thờ, tế lễ
hàng năm”. Vậy mà có
người nói An Hạ Đại Vương là anh ruột của Thái sư Trần Thủ Độ ? Tác giả Lã
Phương – Hội viên HKHLS Việt Nam cũng có bài viết về văn bia đình An Hạ, đồng
thời cùng với Đào Văn Hồng – Nguyên trưởng phòng Quản lý Di tích Bảo tàng tỉnh
Thái Bình còn cung cấp thêm 2 văn bản cổ nói về An Hạ đại vương là:
-Quán
thôn tự điển: văn bản Hán Nôm viết tay dày 27 trang do cụ Đặng Đình Tập cựu
Lý trưởng xã Trực Nội (từng đỗ khóa sinh) viết vào mùa thu năm Quý Hợi – Khải
Định thứ 8 (1923), nói Lý An Hạ sinh năm Đinh Dậu - đời Anh Tông niên hiệu
Trinh Phù năm thứ 2 (1277), (nêu các
chức tước) mất tại Nghệ An (thọ 91 tuổi) cùng năm với phu nhân vào năm Thiệu
Long thứ 11 (1268) triều Trần Thánh Tông. Đến năm Bảo Phù thứ 6 (1278), tức sau
10 năm mất, được Trần Thánh Tông cho phép nhân dân trong trang Hạnh Hoa chuyển
linh cửu ông bà về quy táng tại thổ phụ Ninh Cường thuộc đất trang Hạnh Hoa
thái ấp của phu nhân Đàm Chiêu Trinh, xây miếu thờ, cây cối mọc tốt sum xuê,
không ai dám chặt phá, trong đó đặt nhiều tượng người đá, ngựa đá, rùa và chó
đá, có 1 tấm bia có từ lâu đời…
-Văn bản điều tra của Hội khảo cứu phong tục thôn Quán, thôn Miễu năm
1938, văn bản viết
tay chữ quốc ngữ gồm 15 trang, có phần sao lục các đạo Thần sắc bằng chữ Hán
của các chức dịch thôn Quán, thôn Miễu. Nội dung theo mẫu của Viện Viễn Đông
bác cổ, trong đó phần hỏi và đáp có nói về An Hạ đại vương và phu nhân Đàm
Chiêu Trinh, tương tự như Quán thôn tự điển, có xác nhận, đóng dấu của Lý
Trưởng xã Trực Nội là Vũ Tiến Nhạ người làng Quán …, (làng Quán nay là thôn Lê
Lợi II, xã Đông Xuân; làng Miễu nay thuộc xã Đông Quang liền kề với xã Đông
Xuân, cùng huyện Đông Hưng, Thái Bình)
Vấn
đề nữa là những tộc họ gốc Trần, như Đào Trần; Võ Trần (Đại tướng Nguyên Giáp); Cao
Trần; Đặng Trần; Nguyễn Trần … là những chi phái phần lớn thuộc dòng dõi hoàng
tộc nhà Trần. Vậy mà BCHHT Việt Nam
lại phân biệt đối xử như Báo cáo BCHHT đã nêu thì tệ hại quá. Thiếu tướng PGS
Đào Trần Quang Cát hậu duệ dòng trưởng của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, gia
phả ghi: “Hồ Quý Ly sở soán, hựu hậu Trần
Giản Định (nhị niên), Trùng Quang (ngũ niên) đắc thất niên, vị Minh, Trương Phụ
sở cầm, Trần thị tôn phái lưu cư các xứ.
Lê sơ bình Ngô, Trần hậu Nguyên Thiên (Nguyên Đán chi hậu) tùy Thái tổ thệ phục
quốc thù, quan Tả tướng hậu bị ngộ, tự trầm nhi tử”, và “Thiên hoàng chính phái”, tức thuộc dòng
con Hoàng hậu (dòng mẹ đích) và Trần Thái Tông truyền hạ.
Khu “Di tích lịch sử - văn hóa Phương
La”, là sự mạo nhận đáng tiếc, nó đã phát sinh những hệ lụy khủng. Mong
ai đó, nếu “3 tập văn bản” ấy của BCHHT được phổ biến đến mình thì hãy cố đọc
kỹ để hiểu cái “thế sự trần gian” đáng
ghét này!
Tháng 1/2020
Tổng hợp: Trần Phước Bình
(UVTT. BCH Họ Trần huyện
Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam )
(Gần đây ông Trần
Văn Sen chuyển đến Quảng Nam
cả hàng đống tài liệu nhằm tuyên truyền quan điểm chống cụ Đào Trần Quang Cát
của ta. Nhân đó tôi có bài viết “Xung quang danh xưng …”. Tôi có trao đổi với
các bác Họ Trần huyện Duy Xuyên, được các bác hoan nghênh ủng hộ, và có thể
Nghệ nhân Trần Văn Anh đã chuyển tiếp cho bác Tiến, bác Luyện – Văn phòng Hội
đồng Họ Trần Việt Nam. Nay gửi chú xem, góp ý (bản hiệu đính lần 3). Qua bài
viết này tôi thấy Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, UBND tỉnh và Sở
Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình cũng là nhân tố đồng thời cùng với ông Sen làm
cho nội bộ họ Trần xung đột như hiện nay. Vấn đề cần được giải quyết từ gốc
thì mới mong ổn thỏa …)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét