Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

HỌ TRẦN NGHỆ TĨNH DI DUỆ CỦA TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN VÀ PHÁP ĐỘ - TRẦN QUỐC DUY

 Lời biên tập viên:  
Ông Đào Tam Tỉnh, một nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử có uy tín, sinh sống và làm việc tại Nghệ An. Tháng 10 năm 2016 ông đã viết bài báo này đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ, Nghệ An. Biên tập viên xin phép đăng lại bài này trên Blog Họ Cao Trần


1. Trần Nguyên Hãn, Trần Quốc Duy và dòng họ Trần xứ Nghệ


Theo Gia phả họ Trần ở Diễn Châu, Yên Thành và hồ sơ xin xếp hạng di tích đền thờ Trần Pháp Độ ở làng Đan Trung (xã Diễn Thắng) thì Trần tướng công Pháp Độ, tức Trần Quốc Duy (1421-1509) là Thái tiên tổ họ Trần Nghệ Tĩnh. Cụ sinh tại trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, trấn Sơn Tây, xuất thân từ dòng họ hoàng tộc Trần. Thân phụ là Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, là công thần khai quốc triều Lê Sơ, thân mẫu là người họ Lê. Trần Nguyên Hãn (1390-1429) sinh tại Sơn Đông, Lập Thạch, là con của Trần Án (Trần Thuần Đức và bà Lê Thị Hoàn), là cháu đời thứ 4 của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, cháu đời thứ 7 của Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có ghi về ông như sau:
“Ông người ở Lập Thạch, dòng dõi Tư đồ Trần Nguyên Đán, có học thức, giỏi binh pháp. Khi nhà nhuận Hồ mất ngôi, giặc Ngô xâm chiếm nước Nam, trăm họ lầm than, ông nuôi chí cứu đời giúp dân… Ông vào Thanh Hóa tìm thấy Thái Tổ, một lòng theo vua. Vua cũng biết tài lược của ông, đai ngộ rất hậu, cho được dự bàn mưu kín. Ông theo đi đánh dẹp có công luôn, được lên chức Tư đồ… Năm đầu Thuận Thiên, Mậu Thân (1428), vua đại hội các quan văn võ, luận công ban thưởng, phong ông làm Tả tướng quốc và cho họ vua. Ông nói riêng với người thân: “Nhà vua có tướng như Việt Vương (vua bên Trung Quốc thời Xuân Thu chiến quốc) không thể cùng sung sướng được”. Ông xin về hưu, nhà vua cho, nhưng bảo mỗi năm hai lần về chầu. Ông về làng làm nhà cửa và đóng thuyền chở binh khí. Có người cáo ông là mưu phản. Vua sai lực sĩ xá nhân bắt về hỏi. Thuyền đến bến dưới xã Đông Sơn, ông giận uất khấn trời rằng: “Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay nghĩa lớn đa định, vua lại muốn giết tôi, hoàng thiên có biết xin soi xét cho”. Nói xong, bỗng nhiên gió nổi lật thuyền, 42 lực sĩ xá nhân và ông đều chết đuối cả. Chỉ có hai gia đồng của ông trôi vào bờ dược thoát chết. Vua xuống chiếu tịch thu tất cả vợ con, ruộng đất, của cải. Triều Nhân Tông năm Diên Ninh thứ 2 (1455), nhân đại xá, vua thương ông vô tội, xuống chiếu trả lại ruộng nương, của cải để nêu người có công lao cũ. Sau khi ông chết cũng trở thành linh dị, dân ở đấy lập đền thờ, hàng năm cầu đảo. Đời nhuận Mạc truy tặng Tả tướng quốc, Trung liệt Đại vương, nay hương khói chưa tắt”(1). Theo gia phả họ Trần cho biết thêm thì Trần Nguyên Hãn đã cho đục thuyền tự trẫm: Trước khi xuống thuyền, ông để lại bà vợ cả và người con trai lớn trốn đi xa. Thuyền đi qua xã bên cạnh, ông lại cho bà vợ thứ hai và hai người con trai cùng một số gia nhân lên bờ để đi trốn tránh. Còn lại bà vợ thứ ba cùng một trai, một gái nhỏ và 42 gia nhân lính hầu giỏi nghề sông nước cùng 7 lính nhà vua theo ông. Thuyền đi đến ngã ba sông Lô và sông Phó Đáy, ông ngửa mặt kêu trời… rồi tự trầm… Thuyền đi ra giữa đêm và đánh đắm vào lúc một hai giờ sáng [vào ngày 26/2/năm Kỷ Dậu 1429]… Nói chết cả là cũng để che mắt nhà vua!(2). Đấy là lý do mà Trần Quốc Duy (mới 9 tuổi [theo gia phả họ Trần Phúc Thành thì ông mới 5 tuổi?]) cùng mẹ được thoát thân, nhưng sau đó ông bị triều Lê quản thúc cả hai mẹ con ở Tức Mạc, huyện Sơn Nam, phủ Thiên Trường (Nam Định) trong 26 năm Sau khi vua Lê Nhân Tông minh oan cho Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Trần Quốc Duy được tự do. Vợ ông là Lê Thị, hiệu Từ Quang, sinh được 3 con: Trần Công Sủng (1467), Trần Đạo Tín (1472), Trần Khương, tự Thiện Tín (1475). Năm 1463, đời Lê Thánh Tông, Trần Quốc Duy có dự và đậu thi Hội và như vậy ông đã từng thi Hương đậu Hương cống. Về sau, ông đưa vợ con về ở tại Biện Sơn, Thanh Hóa, rồi để vợ cùng người con trưởng và thứ 2 cho lưu trú tại đấy, còn ông cùng con trai thứ 3 “tái vãng Nghệ An” (1504). Ông định cư ở xã Thái Xá, tổng Quan Trung, phủ Diễn Châu và vào trụ trì ở chùa Phù Cam (hay Liên Hoa), lấy tự là Pháp Độ. Ông “tuân hành nội đạo và dạy học”, trông coi xây dựng lại chùa Phù Cam làm nơi tu hành tĩnh dưỡng tuổi già, đồng thời cùng với hai người họ Phạm - Nguyễn, chiêu dân lập ấp, khai phá ra các xứ đồng cày cấy, mở mang dân trí, xây dựng nên các làng, như: Phú Điền, Tường Lai, Thái Xá, ấp Trần Xá…(3). Trần Quốc Duy đã cùng một số vị họ Phạm tổ chức việc chiêu dân, khai hoang, lập ấp, trung tâm khai phá là xứ Nương Mao, là nơi hoang vắng, sông nước, chỉ có một xóm nhỏ tục gọi là Kẻ Dìn, ở phía tây Phú Hữu, mở mang ra các làng mới. Các làng mới như Phúc Điền, sau đổi là Phú Điền (nay là Trung Hậu, xã Nhân Thành), rồi Phú Lai, Tường Lai, Mã Lai. Ông là người chủ trì việc khai hoang, lập ấp, hướng dẫn nhân dân việc khai thông thủy lợi, mở mang đường thủy, đánh bắt thủy sản, làm nghề nông trồng trọt, chăn nuôi, lại quyên góp tiền của cứu trợ người nghèo, nên về sau được nhân dân kính trọng thờ làm Thành Hoàng (thần khai canh). Các triều đại đều có sắc phong thần cho ông, nay chỉ còn giữ được đạo thời Khải Định thứ 2 và phong tới Trung đẳng thần, nội dung sắc: Nghệ An tỉnh, Yên Thành huyện, Thái Xá xã, Phú Hữu thôn phụng sự Bản cảnh Sơn Nam hách trạc Pháp Độ chi thần, hộ quốc, tý dân trứ linh ứng tứ kim lịch thừa. Niệm thần hưu trước phong vi tủng bạt dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần chuẩn sự thứ cơ thần kỳ tướng hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Cụ tổ Pháp Độ là người có tri thức, từng đậu đạt khoa bảng thi Hương, thi Hội, nên rất  chú trọng việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa giáo dục, nên quê hương mới ngày càng văn minh, giàu mạnh. Ngài mời thầy mở trường dạy học cho con cháu và dân làng, nên có nhiều lớp hậu sinh thi cử đậu đạt từ Hiệu sinh, Tú tài, Hương cống, Cử nhân, được dự học ở Quốc Tử Giám và đỗ đại khoa thi Hội, thi Đình. Họ được cử chọn làm quan, góp phần to lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Thành quả đó được ghi rõ trong sử sách, địa chí địa phương: Thời Lê, ở Phù Cam có 3 Hương cống, 2 Sinh đồ; Phú Hữu có 4 Hương cống, 11 Hiệu sinh; Phú Điền có 1 Tiến sĩ, 3 Cử nhân, 19 Tú tài. Con trai Pháp Độ là Thiện Tính làm nhà ở xứ Cồn Dầu, làng Phú Hữu, sinh ra trai trưởng là Trần Chân Tịch, tự Phúc Quảng (ở lại làng Dàn, xã Đông Tháp), thứ là Trần Chân Tính, tự Huyền Thông (ở làng Hoàng Mai, xã Bàng Hoa, rồi trại Đầm Trang, Mai Nữ, Yên Hậu) và con út là Trần Chân Thiên, tự Huyền Linh (đến làng Mõ, xã Giai Lạc). Từ đây, dòng dõi của Pháp Độ sinh sôi, phát tích đông đúc, trải qua 20 đời đã có tới hơn 200 chi, trải rộng khắp cả Bắc, Trung Kỳ, ra cả nước và nước ngoài. Phúc Quảng và Huyền Thông ở lại Phú Hữu sinh ra con cháu đông đúc. Con cháu nổi lên có Bạt Kinh thi đỗ Tam tràng, làm quan tới Thái bộc Tự khanh; kế đó có 4 Hương cống, 16 Hiệu sinh; đến triều Nguyễn có Trần Văn Lập đỗ Tú tài, con là Thời được Cửu phẩm văn giai; một phái ở làng Đệ Nhất (xã Diễn Hồng); một chi ở Thái Hậu (Diễn Tháp) và một ở Đan Trung (xã Diễn Thắng) đều thịnh vượng…Con út Huyền Linh là thầy địa lý giỏi, chọn được phúc địa ở Cồn Chu, hợp thiên mộ cha mẹ, rồi dời nhà lên ở làng Diệu Ốc, xã Yên Lạc (nay là xã Phúc Thành), con cháu kế phát thành một họ lớn, có nhiều công hầu, khanh tướng… Đặc biệt chi phái này kể từ Phú Quận công ở đời Lê Trang Tông đến vua Lê Chiêu Thống, trải hơn 200 năm có tới 35 văn khoa, 32 võ khoa, 1 Giải nguyên, Hoành từ (tương đương Tiến sĩ), 4 Hương cống, 7 Hiệu sinh, 2 Quận công, 16 tước hầu, 3 tước bá, 2 tước tử, 3 tước nam. Triều Nguyễn có 1 Cử nhân, 4 Tú tài, 1 Vệ úy lĩnh suất đội. Từ phái hệ này lại phát tích ra nhiều chi rất thịnh vượng: Diên Lãm, Sa Nam (Nam Đàn); Yên Nhân (Yên Thành); Kim Khê, Đông Chử, Hải Thanh, Yên Lng, tổng Vân Trình, Đồng Quan (Nghi Lộc); Ngọc Thành, tổng Quan Trung và Yên Duệ; Đức Nhuận, Thọ Sơn, xã Yên Lãng (Thanh Chương); Đồng Cường (Hương Sơn, Hà Tĩnh); Yên Thịnh, xã Yên Trung; thôn Thượng, Thái Lăng (Đức Thọ); Mặc Tảo, tổng Hoàng Trường, Vạn Phần (Diễn Châu); Quỳnh Tụ, Xuân Lạng (Quỳnh Lưu); Thuần Hậu, Thuần Trung, Hoành Sơn (Lương Sơn: Anh Sơn, Đô Lương)…
2. Các nhân vật tiêu biểu con cháu của Trần Quốc Duy - Pháp Độ
Trần Thọ (1544-1613), con trai của Trần Chân Thiên - Huyền Linh. Ông phương phi khác thường, có tri thức văn võ kiêm toàn. Khi Thế tổ Thái Vương Trịnh Kiểm đưa quân vào trấn Nghệ An, ông xung phong ứng nghĩa, lập nhiều công lao, được phong Phú Vinh hầu. Lại có công lớn với triều đãnh nên được tấn phong Phú Quận công. Ông là người làm quan có chức tước lớn, nối tiếp được liệt tổ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn và mở đầu cho sự hiển vinh của Dòng họ Trần xứ Nghệ - con cháu của Pháp Độ. Trần Văn Ngạn (1560-1635), con trai của Trần Thọ, được tập ấm điển binh, theo Thành tổ Triết vương, có nhiều công lao được thăng Tán trị công thần, tước Kiên Lễ hầu, võ có cháu là công thần nên được vinh phong là Vinh lộc Đại phu Tán trị Tham chính. Trần Tuấn Kiệt, có sức khỏe mạnh ăn, tính thích nghề võ, phối trưởng nữ Nguyễn công. Tương truyền, nhân ngày tháng chạp đến nhà nhạc thân chơi,  ông ăn hết một nồi 7 cơm, rồi vào rừng đốn củi nhiều gấp 10 lần các tiều phu khác. Ông có thể vác nổi một con trâu trong một dịp được thách đố và vật đổ một lèo cả 4 đô vật… Có lần tại Kinh đô Thăng Long, một con voi sổ tàu, làm hại nhân dân. Triều đãnh hạ chiếu cầu dũng sĩ, ai đánh được voi sẽ thưởng chức hàm. Ông hưởng ứng chiếu, rèn sẵn búa sắt, siềng sắt tâu vua. Vua y cho. Ông mang búa siềng nhảy lên nóc nhà, khiến người lựa voi đi qua ngã dưới, ông tức thì nhảy phắt lên đầu voi hãm lại. Voi trở lại bơi sông Nhị Hà (sông Hồng), ông cùng voi khi nổi, khi chìm, hồi lâu voi mới thụ chế. Vua ngự lầu trông thấy rất mừng, phán khen: “Kỳ tài, đích đáng kỳ tài, con dòng cửa tướng nảy người kiện nhi”, ban chức Nội điện lang, phụng Phù xa giá thảo tặc (đánh giặc), có công lao, tặng tước Đông Lĩnh hầu. Sau lại có công bắt được tướng giặc, gia thăng Đô hiệu kiểm chưởng cấm quân. Ông lại có con là đại thần, nên được vinh phong là Kim tử vinh lộc Đại phu Tán trị Tham tán, truy tôn thần công, gia thăng Thái bảo Đông Quận công Dực vận Đại vương. Văn bia ghi về ông có câu: “Kiêu dũng tuyệt luân cần nghĩa hữu công”, nghĩa là: Sức mạnh khác thường, có công cần vương hiếu nghĩa. Sau khi mất được lập đền thờ làm Phúc thần ở Cồn Lội, Ba Khe, phụng chí cấp thuần vĩ, phương tô, vũ kỳ phụng tự (được ban đất ruộng thu tô để thờ tự). Ông cùng Quận phu nhân họ Nguyễn và Chính phu nhân họ Phan sinh hạ được 4 trai, 5 gái. Cả 4 trai đều có công với triều đãnh và được hưởng ấm: Trưởng là Đăng Dinh (Quận công); thứ 2 là Đăng Nhượng (Thị Đình hầu); thứ 3 là Thế Tế (Đặng vũ hầu); thứ 4 là Trần Phương (Phương Đình hầu). Trần Đăng Dinh (1620- 1691), tên húy là Màn, là trai trưởng của Đông Quận công Trần Tuấn Kiệt. Sinh mẫu chính phu nhân Phan Thị mất khi ông còn nhỏ tuổi, nên được đích mẫu họ Nguyễn dưỡng dục. Ông thiên tư đĩnh ngộ khác thường, tài kiêm văn võ, theo học với Nguyễn Ngũ Phương tiên sinh (thầy dạy học nổi tiếng có nhiều học trì đậu đạt như Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương…). Ông là người thẳng thắn, trung nghĩa, được Vương Thế tử Trịnh Căn rất nể phục, coi là người phi thường và dùng làm gia thần. Gặp lúc Thế tử có lỗi, bị giam, ông vẫn trung thành ở lại phụng dưỡng thuốc thang, không lảng tránh như những kẻ khác. Ông mạnh dạn gặp Trịnh Vương dâng khải xin cho Thế tử. Chúa xem khải động lòng tha cho Thế tử được trở lại nhiếp chính. Thế tử cảm động, thường xưng bằng “nghĩa đệ”. Năm Vĩnh Thọ thứ nhất, đời Lê Thần Tông (1658), ông theo Phù Thế tử về trấn thủ Nghệ An, có công thảo tặc, được phong Liêm Dũng nam, rồi thăng Thượng bảo Tự khanh, tước tử. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Năm Giáp Thìn - Cảnh Trị 2 (1664), tháng 11… Lấy… Thái thường thiếu khanh Liêm Dũng tử Trần Đăng Doanh làm Thượng bảo Tự khanh vì cớ theo Lý Quốc phủ từng đi đánh dẹp có công (3-270)(4). Do có công hoàn thành sứ mệnh và bày kế hay về thu công, nên ông được tiến cử giữ/thăng các chức tước: Thượng bảo Tự khanh Liêm Dũng tử (1665); tòng chinh Cao Bình (Bằng) bắt được Mạc Kính Vũ, phong Quản tả nội thủy cơ (1668); Thừa Chính sứ Hưng Hóa (1678); trải trấn thủ các nơi Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương, Yên Quảng đều ổn định chính sự, mùa được, yên lòng dân… Năm Nhâm Tuất (1682), Thế tử Trịnh Căn nối ngôi chúa, mộng thấy điềm lành ứng với ông, nên càng tin dùng ông hơn, tiến cử vua ban chỉ chuẩn phong chức Thị lang bộ Hộ. Ông thường nêu nghĩa trực trước chúa, khi biết tính chúa ham thích chơi gà chọi, trăm quan tranh nhau dâng gà hay, ông lên tiếng dữ đánh gà chết ngay, bọn quyền hành đều phải nín hơi cả. Ông dù thuộc quyền của Vương phủ (phủ Chúa), nhưng thường khuyên chúa “tôn phù đế thất” (vua Lê). Năm Chính Hòa (1683), phụng gia thăng Đặc tấn kim tử vinh lộc Đại phu, Hộ bộ Tả Thị lang, Liêm Dũng hầu, Trụ quốc Thượng liên. Năm Bính Dần (1686), ông được ban tước Liêm Quận công. Quý nữ của ông là Ngọc Thiều được chúa cưới làm Chính cung cho Thế tử; Thị Bích làm cung tôn, phong là Ngọc Cảnh xuân nương. Khi ông nghỉ hưu, về quê lo việc khẩn hoang, cứu giúp và giáo hóa dân nghèo, đem lại văn minh cho bản địa. Năm Chính Hòa 12 (1691), triều đình lại phải triệu ông trở lại Kinh đô giữ chức Công bộ Thượng thư. Cùng năm này, ông mất, thọ 72 tuổi, vua rất thương tiếc, truy tặng Hộ bộ Thượng thư, Thiếu phó, tự thị Trung túc. sai Lễ quan tổ chức di hài ông về quê, ban 1.500 quan tiền làm lễ an táng tại Yên Thổ - Đồng Nhà Vàng (sau cải táng xứ Hoa Sen), truy tôn: Liêm dĩnh công thần nhân hậu, uyên mục cung . anh đoán minh vụ thần công; lại phụng chỉ lập đền thờ quốc tế (võ là miếu tổ ngoại nhà chúa nên gọi là phủ thờ Liêm Quận công Trần Đăng Dinh) để dân phụng tự. Các triều đều ban sắc phong thần là Phúc thần, đại thần và nhiều mỹ tự: Trung Hưng tán trị dự quốc đồng hưu, Trung túc Đại vương (Chính Hòa 16 - 1695); Hiển ứng Dực vận Đại vương (Gia Long 9 - 1810); Quang. Trung đẳng thần (Khải Định 9 - 1924)… Sử sách nước nhà cũng đã ghi nhớ công lao của Trần Đăng Dinh với triều Lê Trung Hưng qua Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) như sau: Tân Mùi (Chính Hòa) năm thứ 12 (1691)…Mùa xuân, tháng giêng… cho… Trần Đăng Doanh làm Thượng thư bộ Công. Mùa hạ, tháng tư, Trấn thủ Sơn Tây là Thượng thư bộ Công Liêm Quận công Trần Đăng Doanh (Dinh) chết, được tặng Thượng thư bộ Hộ, Thiếu phó (Triều đinh) cho Lê Thì Liêu lên thay. Đăng Doanh hầu chúa đa lâu từ khi còn là Thế tử chưa lên ngôi, theo (chúa) đi đánh Thuận Hóa, có công [nên] từ chân gia thần được tiến dùng. (Đăng Doanh) nói năng bàn luận rõ ràng, dứt khoát, được chúa tin yêu. (chúa) hỏi cưới con gái của Đăng Doanh làm chính phu nhân cho Tấn Quốc công (Trịnh Bính) (Đăng Doanh người huyện Đông Thành)(5). Liêm Quận công Trần Đăng Dinh sinh 16 con trai, đều được giữ chức Hoằng tín Đại phu, đa số được ban tước hầu và 10 con gái đều quý hiển, có cả cung tần, hoàng hậu và làm dâu các nhà quan thần, quyền quý: Trưởng tử Đăng Đệ là Nho sinh trúng thức (Hương cống), Giám sinh Quốc Tử Giám, chức quan Hoằng tín Đại phu. Thứ 2 Đăng Dũng, đậu Giải nguyên, lũy trúng Hoành từ (Chế khoa do vua ngự đề chọn người tài như Tiến sĩ), làm quan đến Hoằng tín Đại phu Thị nội văn chức, Diễn Trạch tử. Thứ 3 Đăng Sĩ, Nho sinh trúng thức (Hương cống), chức quan Hoằng tín Đại phu, Anh liệt tướng quân Cẩm y vệ, Chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, Khánh Dũng hầu. Thứ 4 Đăng Nhuận, chức Hoằng tín Đại phu, cải quản Khuông hữu, thăng Hữu Hiệu điểm, Khoan Dũng hầu. Thứ 5 Đăng Tạo, chức Hoằng tín Đại phu, Trấn thủ hữu trấn cơ Hưng Hóa, Minh nghị tướng quân, Tổng binh sứ ty Đô tổng binh sứ, Ninh Dũng nam, sau mất tặng Quang liệt Đại vương, Tuấn lương, Dực bảo Trung hưng tôn thần. Thứ 6 Đăng Triều, Hoằng tín Đại phu, cải Vụ ban, sơ thụ Phó cai quan, tước Lập Dũng hầu. Thứ 7 Đăng Sương, Hoằng tín Đại phu. Thứ 8 Đăng Nhiệm, Hoằng tín Đại phu. Thứ 9 Đăng Phái, Hoằng tín Đại phu, cải quản nhưng nhất đội, Phái Dũng hầu. Thứ 10 Đăng Tương, Nho sinh trúng thức, Hoằng tín Đại phu, Kính Dũng hầu. Thứ 11 Đăng Vĩ, Hoằng tín Đại phu, Đường Dũng hầu. Thứ 12 Đăng Tuyển, Hoằng tín Đại phu, Ưng Dũng hầu. Thứ 13 Đăng Đô, Hoằng tín Đại phu. Thứ 14 Đăng Chiêu, Hoằng tín Đại phu. Thứ 15 Đăng Núi, Hoằng tín Đại phu. Thứ 16 Đăng Trung, Hoằng tín Đại phu, cải Điển binh, Thuần Tường hầu. Một nhà cha con 17 người và nhiều cháu chắt đều làm quan trong triều, thật là vinh hiển, đúng như lời án trong gia phả họ có câu: Gẫm họ ta trâm anh dịch thế/ Văn võ đều tương kế điển binh… Họ Trần Nghệ Tĩnh, từ Khai quốc công thần triều Lê - Tướng quốc Trần Nguyên Hãn và con trai trưởng Trần Pháp Độ đã tạo dựng cho con cháu các thế hệ nối tiếp một truyền thống tốt đẹp, yêu nước, thương dân, hiếu học, trọng nghĩa khí, nên nối đời vinh hiển, nhiều người thành danh là danh nhân, nhân vật có công trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Các di tích nhà thờ Tướng công Pháp Độ, phủ thờ Trần Đăng Dinh đã được Nhà nước vinh danh là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, đều xứng đáng là nơi để con cháu cùng nhân dân ngưỡng mộ, noi gương học tập. Con cháu Dòng họ Trần vẫn phát huy tốt sự nghiệp của cha ông cho đến ngày nay, tiêu biểu như: các Tiến sĩ Trần Danh Dĩnh, Trần Đình Chu, Trần Đình Phong, Trần Huy Phác, Trần Hữu Dực; các Phó bảng Trần Nguyên Trinh, Trần Vĩ; Tổng Bí thư Trần Phú, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Trí; nhiều liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc, nhiều quân nhân là cấp tá quân đội; nhiều người là cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ… trong nhiều lĩnh vực công tác đang đóng góp công sức hưng thịnh đất nước và xây dựng một dòng họ văn hóa truyền thống tốt đẹp. Xin ghi lại đôi câu đối ở đền thờ Tướng công Pháp Độ để ghi nhận về truyền thống họ Trần: Hiếu nghĩa tương truyền khai quyết hậu/ Bản chi phất thế tự kỳ tiên. Tạm dịch: Tổ tiên hiếu nghĩa mãi mãi không đổi/Dòng họ thịnh hưng đời đời lưu truyền./.
Đào Tam Tỉnh

Chú thích:
(1) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, T.1. H., Giáo dục, 2006, trì 380-381.
(2), (3) Các tài liệu: Gia tộc dòng Huyền Linh và Trần Đăng Dinh; Hồ sơ Di tích đền Pháp Độ - Trần Quốc Duy; Trần tướng công sự trạng bị khảo.
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, T.3. H., Khoa học xã hội, 1998, trì 270.
(5) Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), H., Hồng Bàng - TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012, trì 35.
(6) Tham khảo các tài liệu: Bùi Dương Lịch, Nghệ An kỳ; Cao Xuân Dục, Đại Nam nhất thống chí, T.1; Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thể, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam; Ninh Viết Giao, Từ điển nhân vật xứ Nghệ; Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An (1075-1919); Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quỳnh, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam…






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét