Khi tôi viết những dòng này thì anh đã thành
người thiên cổ, anh đã đi xa kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2014 (nhằm
ngày mùng Một tháng Chín nhuận năm Giáp Ngọ). Người mà tôi đang nói
đến là anh Cao Trần Vạn Riệp, tên của anh ở cơ quan là Cao Xuân Diệp,
bút danh của anh trong giới văn nghệ sỹ là Tùng Sơn, theo thứ bậc
trong dòng họ Cao Trần anh thuộc hàng thứ 13, cành trưởng, phái thứ
(Ất phái – phái tổ Đức Mậu), chi trưởng (tổ Đức Trứ).
Anh Riệp sinh năm Mậu Tuất (1958), khi còn nhỏ
anh là người chắc khỏe, lanh lợi thông minh học giỏi. Những năm 60-70
của thế ký trước, đất nước cong khó khăn gia đình sống ở nông thôn
nói chung và nhà anh Riệp nói riêng cũng không mấy dư dả. Sức học và
tiếng tăm của anh Riệp ở trường, nổi trội vào những năm cuối cấp 2
Giao Tiến và ba năm cấp 3 Giao Thủy. Anh học đều tất cả các môn tự
nhiên và xã hội. Anh được các thầy chọn vào các đội tuyển Toán,
Văn, tiếng Nga...Khi nhắc đến học sinh Giao Tiến, tên tuổi anh thường
được nhiều bạn bè nhắc đến một cách thán phục. Chúng tôi cũng được
tiếng thơm lây và tự hào về anh.
Tốt nghiệp cấp 3, anh đăng kí dự thi đại học
Bách khoa Hà Nội, một chút chưa may mắn, “học tài thi phận” anh bị
thiếu 0,5 điểm. Anh chuyển nguyện vọng 2 sang khoa Toán của đại học Sư
phạm Hà Nội 2. Trong 4 năm học đại học anh luôn là sinh viên giỏi. Ra
trường anh được phân công về làm cán bộ giảng dạy, Bộ môn Toán, Khoa
Tự Nhiên, trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh. Với tố chất bẩm sinh và
bằng kiến thức năng lực thực sự của mình, anh luôn là giáo viên giỏi
trong khoa, của trường. Anh thường được cử đi tham gia các kỳ giảng
mẫu, tập huấn giáo viên Toán khối các trường Cao đẳng sư phạm toàn
quốc, bồi dưỡng luyện thi và trưởng đoàn (của trường CĐ SP QN) tham
gia dự thi Olympic Toán toàn quốc trong nhiều năm. Dù là giáo viên
Toán, nhưng anh có tài về văn hóa nghệ thuật. Anh đã xuất bản một
tập thơ cho riêng mình và có nhiều bài đăng trên các tạp chí văn nghệ
của các địa phương và Trung ương. Xin giới thiệu bài thơ của anh đăng
trên số báo Xuân 2012 của báo Toán học và Tuổi trẻ:
VUI CÙNG BÁO TOÁN
Năm
đã tròn năm, đón gió xuân
Mới tươi
ý lạ, góp thêm phần
Tới
bến tương lai tròn đạo nghĩa
Toán
học, Thầy - Trò tiếp nối chân
Phải trái,
trước sau, đời bàn luận
Toán hình,
toán số, dạy khuyến nhân.
Hơn
kém không bàn sai phép tính
Trẻ
trung đâu đếm tuổi quá tuần.
Càng say
thuật toán, càng mê số
Trẻ
tươi đạo học Thiện - Mĩ - Chân
Mãi
vui vườn toán, đẹp vườn xuân.
Với lợi thế trên miền đất du lịch Quảng Ninh,
với niềm đam mê của mình đã giúp anh thăng hoa và sáng tạo. Anh đã
để lại nhiều bức ảnh độc đáo và ấn tượng trong đồng nghiệp và
khách hàng của anh.
Điều đáng quý hơn, anh đã đầu tư thời gian trí
tuệ nghiên cứu trường phái Trúc Lâm Yên Tử, nghiên cứu về Phật Hoàng
Trần Nhân Tông và dòng họ Cao Trần của chúng ta. Anh đã viết bài
khảo cứu về nguồn gốc dòng họ Cao Trần, được nhiều thế hệ trong
dòng họ đánh giá cao. Năm 2012 anh là thành viên trong Đoàn Thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử về dự lễ tế Tả tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, trên đất
Sơn Đông Lập Thạch Vĩnh Phúc. Anh đã chủ động nhắc tôi trong quá
trình tìm tư liệu dòng họ theo nhiều hướng tiếp cận và nhiều nguồn
tài liệu khác nhau. Anh cũng khảng định để tìm được tài liệu quý
và chính xác là công việc không hề đơn giản. Tôi vẫn nợ anh việc tìm
hiểu danh xưng “Bà Triệu” và “Bà Triều”, bởi trong gia phả họ Cao
Trần có ghi “Bà Triều Hữu”. Bí quá tôi đành sưu tầm bài “Sự tích
bà Triều” trên báo du lịch xứ Thanh, như một cách giải thích chưa mấy
thuyết phục.
Nhận tin anh mang trọng bệnh, không còn mấy cơ
hội để can thiệp bằng Tây y. Dù động viên anh nhưng tôi biết anh đang
trải qua những đau đớn về thể xác và tinh thần. Anh vẫn giữ tinh
thần lạc quan và niềm tin vào sự nhiệm màu của thuốc Nam. Tôi đã
thông báo cho bạn bè và họ hàng về tình trạng sức khỏe của anh.
Nhiều bạn bè đã gọi điện, đến thăm động viên chia sẻ với anh về nỗi
đau tình thế. Tôi vẫn mong nhận được những bài viết của anh để đăng
tải. Nhưng ôi thôi, không kịp nữa rồi căn bạo bệnh đã không để cho anh
cơ hội đi tiếp chặng đường còn dang dở. Mẹ già trên 90 tuổi, vợ con
anh và cháu nội của anh cần sự quan tâm chăm sóc của anh. Họ hàng
đang cần người tâm huyết như anh.
Nhận được tin anh mất, khi tôi đang đi công tác
phía Nam, dù vợ con anh chắc không thể hình dung ra tôi là ai. Tôi chỉ
còn biết gửi lời hỏi thăm gia đình và gửi vào điện thoại của anh
dòng tin nhắn: “Thương tiếc anh vô cùng, mong anh siêu thóat” như một
lời chia tay anh mãi mãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét