Những ngày đầu tháng 10 năm
2014, khi thời tiết miền Bắc đã về cuối mùa Thu chớm sang Đông;
tôi có dịp cùng đoàn công tác của Bộ quốc phòng đi nhiều đơn vị trên
cả ba miền Bắc Trung Nam. Tôi thật sự xúc động khi được đi đến sân bay
Sao Vàng huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa (xưa còn gọi là Lôi Dương Ái Châu),
bởi đây là vùng đất mà Tổ Vô Ý đã viết trong Gia phả họ Cao Trần: “Khởi
gia tự tích Ái Châu lai”
Xe chúng tôi xuất phát từ Hà
Nội lúc 5 giờ sáng. Xe quân sự, tài xế lớn tuổi, đường tốt nên xe
chạy khá nhanh. Chưa đến 7 giờ sáng chúng đến thành phố Thanh Hóa,
nghỉ ăn sáng, uống cà phê, 8 giờ kém chúng tôi tiếp tục lên đường đi
về hướng Thọ Xuân. Từ đây lái xe chạy chậm hơn, do thời gian hẹn làm
việc với Đoàn không quân Yên Thế vẫn còn sớm. Nhìn qua cửa xe về
phía xa xa, nhiều núi đá nhấp nhô, gần hơn một vài ngọn núi đã và
đang được khai thác lấy đá và cả đất nữa. Cánh đồng lúa đã chuyển
sang màu vàng chuẩn bị đến mùa gặt của bà con làm nông nghiệp.
Đường sá tỉnh lộ tuy không rộng và chất lượng như đường quốc lộ,
nhưng cũng đã tốt hơn nhiều so với thời gian trước đây. Hai bên đường
cảnh phố xá sầm uất. Không thấy cảnh “rừng núi âm u”, nơi mà Lê Lợi
giấy binh khởi nghĩa chống quân Minh (1418-1427).
Tôi hình dung cách đây gần 350
năm Tổ Vô Ý, một cha một con dắt nhau tìm nơi lánh nạn duy trì nòi
giống cho gia đình cho dòng họ bằng đôi chân trần, dặm thẳm đường xa
đầy hiểm nguy khó nhọc. Thời đó chắc chỉ có những lối mòn chênh
vênh sườn núi đá hoặc những con đường nhỏ đầy cát sỏi. Qua bao núi
đèo, sông suối, hai cha con Tổ Vô Ý và Tổ Công Bật chắc chỉ đi bộ,
ngày đi đêm nghỉ. Theo truyền khẩu khi phải đi ẩn tích Tổ Vô Ý cũng
có một chút vốn liếng trong hầu bao, nhưng cũng có thể Tổ vừa đi
vừa kiếm kế mưu sinh để tồn tại để đến được nơi an toàn, thuận lợi
và phát triển sự sống.
Một quãng đường ngày nay ô tô
chạy khoảng hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng ngày xưa tổ tiên ta đi ròng rã nhiều
ngày hay cả tháng trời. Tôi tự hỏi, trên con đường hôm nay tôi đang đi, có
phải đường này trước đây tổ tiên của chúng ta đã đi qua, để đến được
đất Hoành Nha? Dù con đường mới mở sau này nhưng tôi tin rằng chắc
chắn tổ tiên ta đã đặt chân đến và ra đi khỏi đất này theo một con
đường nào đó quanh đây. Tôi vẫn thích ngắm những công trình cổ xưa
mái ngói rêu phong và các cây cổ thụ còn sót lại, vì đó là tượng
trưng của cổ xưa, của tổ tiên, của người xưa để lại. Tôi đã hỏi thăm cán
bộ trong đơn vị về Bến Mía, Làng Mía, về xã Thọ Diên (Thịnh Mỹ),
về thôn Tứ Trụ. Thì ra làng Mía và bến Mía, ở vùng này khá nhiều
vì vùng này là vùng đất chuyên tròng mía trước đây và sau này cung
cấp mía cho nhà máy đường Lam Sơn. Còn thôn Tứ Trụ (trước đây có
thời còn gọi là làng Tứ Trụ), có bốn vị đỗ đạt được bổ làm quan
trong đó có một vị người họ Trần đó là cụ Trần Vận. Ông là người
Lôi Dương, xã Thịnh Mỹ. Thuận Thiên năm thứ nhất (1428) được phong là: Vi Ngân
Thanh vinh lộc đại phu, Tả xa kỵ vệ tướng quân kiêm Sơn Lăng Tứ kim đại xa kỵ
đô úy quan nội hầu. Thiệu Bình thứ 5 (tức Trần Vận mất vào năm Thiệu Bình
thứ 5). Sinh thời quan chi đô tri Hồng Đức tặng, thập ngũ niên tặng Thái bảo
phù hưng hầu.
Rất tiếc thời gian công tác trên đất Thọ Xuân
không nhiều, buổi trưa hôm đó tôi không ngủ. Từ sân thượng nhà khách
đơn vị, tôi nhìn ra bốn xung quanh, thấp thoáng dưới tán cây là những
chiếc máy bay Mik được trưng bày trong khuôn viên, xa hơn trên sân đỗ là
máy bay Su-27, Su-30 đang chuẩn bị thủ tục bay huấn luyện. Nhắm mắt
lại tôi hình dung đâu đây có một phế tích của tổ tiên đã đi vào dĩ
vãng. Xin tổ tiên báo mông cho con cháu, nơi mà các bậc tiền nhân đã
cư ngụ và thành danh. Dẫu không được như vậy chúng con vẫn cảm thấy
hơi ấm của tổ tiên xưa khi đến được vùng đất thiêng này.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa