Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

VUA ANH TÔNG TRIỀU LÊ BỊ HẠI



        Trần Phước Bình
  ( “ruộng mía” và “bến mía” chính sử và thế phổ chép)

Hoan Châu ký của họ Nguyễn Cảnh huyện Nam Đường, Nghệ An.
Hồi 1, tiết thứ 4/ trang 89: “Năm Nhâm Thân (1572), vào đêm Mậu Dần, 26/12, Anh Tông ra khỏi cung đi tuần thú phương nam, đóng lại ở Nghệ An. Rạng sáng ngày Kỷ Mão, trăm quan mới biết vua đã chạy ra ngoài”.
Hồi 2, tiết thứ 1/ trang 91: “Năm Quý Dậu, niên hiệu Hồng Phúc thứ hai (1573), ngày Nhâm Tý mùng một tháng giêng, mùa xuân, Hoàng tử Lê Duy Đàm lên ngôi lúc bảy tuổi, đổi niên hiệu là Gia Thái. … Hôm sau, Nguyễn Hữu Liêu phụng mệnh đi đón Hồng Phúc Hoàng Đế về Thanh Hóa.
Đến ngày Quý Mão 22, ngự giá về đến Lôi Dương, Bảng quận công Tống Đức Tín (Vị) vào chầu. Vua mất. Việc này thôi không nhắc ở đây nữa”.

Chính sử: Quý Dậu, Gia Thái năm thứ 1(Mạc Sùng Khang năm thứ 8 (1573), mùa xuân tháng giêng ngày mồng một, Lê Duy Đàm được tôn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu Gia Thái…
Bấy giờ, Hồng Phúc Hoàng đế xiêu giạt ở Nghệ An, các hoàng tử Bách, Lựu, Ngạnh, Tùng đều theo đi. Tả tướng Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu tiến quân đến thành. Vua tránh ra ruộng mía.(chữ Nôm ruộng mía) Bọn Hữu Liêu quỳ lạy ở ruộng nói “xin bệ hạ mau trở lại cung để yên lòng mong đợi của thần dân trong  nước, bọn thần không có chí gì khác cả”. Bèn đem bốn con vua đực đón vua trở về, sai bọn Bảng quận công Tống Đức Vị theo hầu, ngày đêm cùng đi. Ngày 22, về tới huyện Lôi Dương. Hôm ấy vua băng. Bấy giờ Tả tướng Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị ngầm bức hại vua rồi nói phao là vua tự thắt cổ mà chết.
Cương mục dẫn Lê triều trung hưng lục của Hữu thị lang Hồ Sĩ Dương (1621 - 1681) khảo cứu chép:  « Lê Cập Đệ bí mật bàn với vua bố trí đâu vào đấy, hẹn với nhau là ban đêm, khi nghe tiếng pháo nổ thì nhà vua qua sông để cử sự. Tùng biết rõ chuyện đó, nhưng vẫn cứ biếu Cập Đệ nhiều vàng bạc. Khi Cập Đệ đến tạ ơn, thì Tùng cho đao phủ mai phục sẵn xông ra giết chết » (phụ chú của Viện sử học).

Với ba nguồn tư liệu may mắn còn sót lại viết về sự kiện vua Anh Tông triều Lê bị hại vào năm 1573. Đã chỉ ra việc vua và 4 hoàng tử đang đêm chạy ra ngoài là do Thái phó Lê Cập Đệ bàn với vua kế hoạch giết quyền thần Tả tướng Trịnh Tùng diễn ra trước đó nhưng không thành. Trịnh Tùng biết được đã tương kế tựu kế giết chết Lê Cập Đệ tại tư phủ của mình. Vua vì sợ Trịnh Tùng kể tội, lại thiếu tính quyết đoán đã mắc sai lầm bỏ cung điện ra ngoài. Các sử thần không chép ý này mà gán tội cho 2 ông Cảnh Hấp và Đình Ngạn là do thế lực họ Trịnh đang nắm binh quyền cả nước, vua Lê chỉ là hư danh. Cách viết đó của các sử thần đương thời đã cố kết quan lại đang hồi phân hóa phẫn nộ, mà còn giải quyết vấn đề căn bản lâu dài là không làm ô danh hai nhà Lê – Trịnh nơi chính sử. Nhưng về quan lại cận thần phải có người bị vu oan quy trách nhiệm và xử trảm, đó là hai gia đình quan cận thần Cảnh Hấp và Đình Ngạn. Chính vì lẽ đó, mà Hoan châu ký ngán ngẫm sự đời bằng thái độ khá rõ « Việc này thôi không nhắc ở đây nữa”.
Hoan châu ký là tập sử phả của họ Nguyễn Cảnh nơi đất Nghệ An, dòng dõi công thần Trung hưng nhà Lê, nhưng rất tiếc đã không để lại một thông tin nào về ngài Cảnh Hấp. Rất có thể ngài Cảnh Hấp và họ Nguyễn Cảnh cùng một tổ nơi phường Thiên Lý, huyện Đông Triều, Hải Dương thời nhà Minh xâm lược.

Thế phổ Cao Trần Nha Chử chép:“Nguyên tiền tại Thanh Hóa tỉnh, Lôi Dương huyện, Thịnh Mỹ xã tục hiệu là Bến Mía”.
Địa danh Bến Mía được Thế phổ nhấn mạnh bằng cụm từ đứng trước “tục hiệu là Bến Mía” thuộc xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa không thể không có ngụ ý. Vua Anh Tông và bốn hoàng tử tránh ra ruộng mía tại thành Nghệ An khi biết quân của Nguyễn Hữu Liêu đến đón về Thanh Hóa. Xa giá về đến huyện Lôi Dương, ngày hôm đó vua bị bức tử chết. Từ đó suy luận Bến Mía chính là nơi vua Anh Tông chết vào ngày Quý Mão 22 tháng giêng năm 1573. Thực hiện hành vi giết người bí mật vào ban ngày phải là nơi kín đáo. Nguyễn Hữu Liêu đón vua về Lôi Dương, đến gặp Chủ tướng Trịnh Tùng không thể không trình bày chi tiết “vua tránh ra ruộng mía”, khiến Trịnh Tùng nghĩ đến việc giết vua nơi Bến Mía. Vùng đất xã Thịnh Mỹ được xác nhận xưa kia là nơi chuyên canh cây mía. Sự kiện ruộng mía hay Bến mía như là định mệnh đối với vua Lê Anh Tông, và là duy nhất được ghi vào chính sử. Sự kiện liên quan trực tiếp đến gia đình quan lại họ Trần “Khởi gia tự tích Ái châu lai” đến nỗi chỉ còn có cha con Vô Ý Công Tướng công chạy thoát về vùng đất Nha Chử thuộc xứ Sơn Nam Hạ.
…………………………………………..
Ngày 11/01/2014.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét