Lời biên tập viên
Sau bài đăng Nhân
thần Trần Hoằng Nghị hay Thiên thần Hoằng Nghị Đai Vương, tôi đã
nhận được bài viết của tác giả Trần Phước Bình ở Quảng Nam. Bài
viết rất công phu trên cơ sở tra cứu nhiều tài liệu sử phả bằng chữ
Hán cũng như bộ Đại Việt sử ký toàn thư, tác giả đã đi đến kết
luận:
"Nếu căn cứ bản gia phả
chi họ Trần thôn Phượng La, hoặc tư liệu truyền khẩu, để xác định ngôi mộ đất,
không có mộ chí là của ngài Trần Hoàng Nghị tại Hải Ấp, Hưng Hà, Thái Bình là
thiếu tính thuyết phục. Song nếu được công nhận, thì những nghi thức lễ hội
truyền thống hàng năm tại Đền Trần, Nam Định vẫn phải được lưu giữ.
Nơi Phủ đệ của ngài Thủ Độ ở Quắc Hương (địa danh này, ĐVSKTT chép một lần vào năm Thiệu Long thứ 4/1261) là
địa bàn nên khảo cứu, tìm kiếm những mộ chí cổ. Ví như mộ chí của Sử thần Lê
Văn Hưu mãi đến gần đây dòng họ mới tìm lại được.
Bản gia phả của chi họ Trần
thôn Phượng La, theo gia phả Nghệ An trích dẫn, trong đó có đời Trần Hoàng Nghị
cách đây trên 800 năm, là di sản đặc biệt quý. Đề nghị Ban sử phả dòng họ sớm
có kế hoạch thầm định, nhờ các nhà sử học giúp đỡ, đánh giá, xếp hạng nguồn tư
liệu này".
Sau đây là toàn văn bài viết cuả tác giả
TRẦN HOÀNG NGHỊ - THÂN SINH TRẦN THỦ
ĐỘ. MỘ TẠI HƯNG HÀ -
THÁI BÌNH ?
I. Tư liệu:
Đại Việt sử ký
toàn thư:
Kỷ nhà Trần: THÁI TÔNG HOÀNG ĐẾ:
Chép: “ ... Trước
kia, tổ tiên vua là người đất Mãn (có người nói là người Quế Lâm), có người tên
là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý
sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, ...”
Đời Thánh Tông, năm
Nhâm Tuất (Thiệu Long) thứ 5(1262). Mùa xuân tháng 2, Thượng hoàng ngự đến hành
cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được
ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa.
Đổi
hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một
khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi cung Trùng Hoa. Lại làm
chùa ở phía tây cung Trùng Hoa, gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó vè sau, các vua
nhường ngôi đều ngự ở cung này.
Năm Thiệu Long
thứ 10 (1267) tháng 3, định ngọc diệp phái chính dòng họ vua của vương hầu,
công chúa để phong ấm, gọi là “Kim chi ngọc diệp”, cháu 3 đời được
phong tước hầu hay quân vương, cháu 4 đời được ban tước minh tự, cháu 5 đời ban
tước thượng phẩm. Tước phong theo ngũ phục đồ.
Kỷ nhà Lý (BK4/26a
- trang 357, tập I):
“Kỷ Tỵ (Trị Bình Long Ứng) thứ 5 (1209) Mùa
xuân, tháng giêng ... Hoàng thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia (nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình),
ở Hải Ấp nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ. Nhà Trần
Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng,
cùng nổi lên làm giặc. Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước minh tự,
phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”.
Canh Ngọ (Trị Bình Long Ứng) năm thứ 6
(1210). Mùa xuân, tháng 3, vua sai Thượng phẩm phụng nghị là Đỗ
Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Tự đón Hoàng thái tử về Kinh sư, còn người con
gái (Trần thị) thì về nhà cha mẹ. Bấy giờ Trần Lý đã bị bọn giặc khác
giết, con thứ là Trần Tự Khánh thay đem quân chúng về kinh, được phong là Thuận
Lưu bá.
Tân Mùi, Kiến Gia năm thứ 1 (1211), tháng
2, vua lại sai Phụng nghị là Phạm Bố đi đón Trần thị. Tự Khánh bèn sai bọn
Phùng Tá Chu đưa Trần thị đi. Gặp khi Tô Trung Từ và Đỗ Quảng đang đánh nhau ở
bến Triều Đông, Tá Chu bèn đỗ thuyền ở bến Đại Thông. Đến khi Đỗ Quảng bị thua,
vua sai Bố và Trung Từ đón Trần thị vào cung, lập làm nguyên phi, cho
Trung Từ làm Thái úy phụ chính; phong Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh làm Chưởng
Thành hầu”.
* Dưới triều Nguyễn, năm Khải Định thứ
2, Pháp Độ công được sắc phong thần, viết:
“... Bản cảnh Sơn Nam hách trạc Pháp Độ chi thần
...”
MỘT SỐ GIA PHẢ của dòng họ tại Nghệ An
(nguyên âm Hán tự) chép:
1. Gia phả CHI HỌ ĐÔNG THÁP – DÒNG TRẦN
CHÂN TỊCH.
“Cái
chiếu : Lê Thần
Tông hiệu Vĩnh Tộ niên gian Đệ ngũ niên,
Trần tộc gia phả biên soạn tam ngoạt thập ngũ nhật. Hậu duệ bản quán tại Bá Truyền
Châu tục hiệu Trấn Đông, lưu cư Sơn Nam
xứ, Thiên Trường huyện, Tức Mặc hương, kim Nam Định...”
2. Gia phả CHI HỌ
ĐAN TRUNG, tại xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu.
« Cái văn:
Phổ chi tác giả, cái niệm vật bản hồ thiên, nhân sinh do tổ. Thái đại truy viễn
nhi công đức bất thiên, chi phái duy giả nhi bản chi phất thế, phi nhi tích
đơn vọng Tổ thực giả tai. Sơ khảo
ngã Trần gia tích tự Sơn Nam tỉnh kim Hải Dương... »
3. Gia phả CHI HỌ
DIỆU ỐC – DÒNG TRẦN CHÂN THIÊN.
« Bảo Đại bát niên, tuế thứ Quý Dậu bát
nguyệt trung thu tiết.
Chi trưởng tự
tôn Trần Thọ Bang bái chí đồng tộc Đại tôn hàn lâm soạn thảo, cử nhân Trần
Nguyên Tự phụng thảo.
Thế phổ tiểu dẫn:
Ngã
tộc kỳ tiên Trung Hoa, Mân nhân, thiên Sơn Nam (kim Nam Định), Tức Mặc hương
... »
4. Gia phả CHI HỌ
YÊN HẬU (1),Huyền Thông tại xã Diễn
Lâm, huyện Diễn Châu:
« Lê triều ngũ
niên tam nguyệt thập ngũ nhật, Nghệ An trấn thừa tuyên, Diễn Châu phủ, Quỳnh
Lưu huyện, trại Đầm Trang Trần Thuần Tín đồng tộc đẳng vị lập Gia phổ sự.
Nguyên ngã tộc
dĩ thị Bắc quốc nhân Trung Hoa, Phúc Kiến, Mân nhân, Trần Bá Tiên, Lương triều
mạt vị bình nam quốc. Tộc thuộc vãng sở Trần Bá Tiên phản hồi Bắc quốc, tộc thuộc
ký cư Bá Truyền Châu, tục hiệu Trấn Đông. Thỉ tộc sở bị cửu lão đê thạc cơ cận
bất thăng vãng vu Nam quốc.
Thỉ tổ
Kinh lai cư Hải Dương, Đông Triều thế nghiệp ngư gia tầm thiên Sơn Nam tỉnh,
Thiên Trường huyện, Tức Mặc hương...” (Quyển phổ do cụ Trần Thuần Tín biên tập từ
năm Đinh Hợi đến năm Tân Mão 1651).
5. Gia phả CHI HỌ
YÊN HẬU (2), trại Đầm Trang, huyện Quỳnh Lưu.
Hoàng triều Quý Tỵ niên (1653), Bản tộc
phụng tả:
“Nghệ An trấn thừa tuyên, Diễn Châu
phủ, Quỳnh Lưu huyện, trại Đầm Trang Trần Thuần Tín đồng tộc đẳng vi lập
Gia phổ sự.
Nguyên ngã tộc kỳ tiên Trấn Đông,
Phúc Kiến, Mân nhân, Thỉ tổ danh Kinh, thiên cư tại Sơn Nam xứ, tức Nam Định, Thiên Trường,
Tức Mặc hương, ..”.
6. Gia phả CHI HỌ QUỲNH TỤ, dòng Trần
Chân Thiên.
(Thiếu
phó Liêm quận công bị khảo).
“Cái Văn: Nguyên ngã tộc kỳ tiên Trấn
Đông, Phúc Kiến nhân, Thỉ tổ Kinh lai cư Sơn Nam xứ, Thiên Trường, Tức Mặc hương
...”
7. Gia phả CHI HỌ PHÚC THÀNH huyện Yên Thành.
“Ngã tộc kỳ tiên Trung Hoa, Mân nhân. Thỉ
tổ Kinh lai cư Hải Dương, Đông Triều, Yên Sinh, tầm thiên Sơn Nam, Thiên Trường,
Tức Mặc hương...”
II. LUẬN BÀN:
Theo chính sử Kỷ nhà Trần, đời Trần Thái Tông đã chép
rõ tiên tổ của vua từ Thủy tổ Trần Kinh định cư tại làng Tức Mặc, phủ Thiên
Trường (thuộc xứ Sơn Nam). Đời Thánh Tông xây dựng hương Tức Mặc làm phủ Thiên
Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối
ngôi ngự khi về chầu, gọi cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng
Hoa, gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung
này.
Đến triều Nguyễn, năm Khải Đinh ban Sắc
thần cho ngài Pháp Độ là con Trần Nguyên Hãn, cũng xác định dòng dõi nhà Trần
tại Sơn Nam.
Về gia phả cổ thuộc dòng Trần Nguyên Hãn
tại Nghệ An, hiện còn lưu giữ 9 tập gia phả cổ Hán tự, trong đó 7 bản có nêu sự
tích Thủy tổ Kinh như đã trích dẫn. Qua phân tích có 5 bản xác định Thủy tổ
Kinh từ Bắc quốc lưu cư đến xứ Sơn Nam, phủ Thiên Trường, hương Tức Mặc, thế
nghiệp ngư gia ( bản gia phả chi Đan
Trung xác định sự tích tại Sơn Nam, nay Hải Dương, rất có thể do người sao
chép ghi nhầm. Bởi xứ Sơn Nam sau cải tỉnh Nam Định).
Còn lại 2 bản xác định Thủy tổ Kinh, trải
qua đất Hải Dương (trước là Nam Sách), huyện Đông Triều, trước khi dời cư đến
làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Về sự khác nhau này, qua xem xét bản gia phả
chi Yên Hậu I, do cụ Trần Thuần Tín khảo cứu biên tập từ năm 1647 – 1651, chép Thủy tổ Kinh đầu lai cư đến đất Hải
Dương... Nhưng đến năm 1653, cũng do cụ Thuần Tín phụng thảo gia phả chi
Yên Hậu II, tại trại Đầm Trang thì chỉ còn « Thỉ tổ danh Kinh, thiên cư tại Sơn Nam xứ, tức Nam Định, Thiên Trường, Tức
Mặc hương ». Như vậy, chính cụ Trần Thuần Tín đã tự phủ nhận sự tích
Hải Dương mà cụ đã viết cho chi Yên Hậu I trước đó. Bản gia phả chi Phúc Thành
chép : «Thỉ tổ Kinh lai cư Hải
Dương, Đông Triều, Yên Sinh, tầm thiên Sơn Nam, Thiên Trường, Tức Mặc
hương », bản này không chép năm lập gia phả, nên rất có thể chép lại bản
của chi Yên Hậu I, bổ sung thêm tên xã Yên Sinh.
Đất Yên
Sinh (An Sinh), năm Kiến Trung thứ 1, chép « Vua (Thái Tông) lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên
Bang cho Liễu (Trần Liễu) làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong, mà Liễu có tên
hiệu là Yên Sinh Vương »
Trên những cơ sở đó, khẳng định hương Tức
Mặc, phủ Thiên Trường là đất tổ, và là nơi phát tích của nhà Trần, được vương
triều quan tâm xây dựng thành trung tâm chính trị của quốc gia, đứng sau kinh
thành Thăng Long, thì không thể nhầm lẫn.
Chính sử triều Lý, năm 1209, ... « Hoàng
thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia (nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), ở Hải Ấp nghe tiếng
con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ. Nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá
nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng, cùng nổi lên ... Thái
tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước minh tự, phong cho cậu người con gái ấy là
Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”.
Năm 1210. Mùa xuân, tháng 3, « Vua (Lý Cao
Tông) sai Thượng phẩm phụng nghị là Đỗ Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Tự đón
Hoàng thái tử về Kinh sư, còn người con gái (Trần thị) thì về nhà cha mẹ.
Bấy giờ Trần Lý đã bị bọn giặc khác giết, con
thứ là Trần Tự Khánh thay đem quân chúng về kinh, được phong là Thuận Lưu
bá ».
Chính sử triều Lý thuật lại sự kiện Hoàng
thái tử Sảm gặp bà Trần Thị Dung là con gái ông Trần Lý tại thôn Lưu Gia. Đến
năm 1210, vua Lý Cao Tông sai người đến nhà Tô Trung Từ đón Hoàng thái tử về
kinh, còn người con gái về nhà cha mẹ. Chi tiết này đã xác nhận lúc bấy giờ bà
Trần Thị Dung đang ở nhà cậu Tô Trung Từ tại thôn Lưu Gia thuộc huyện Hưng Hà,
Thái Bình, như được lệnh chỉ của vua, bà về nhà cha mẹ, chuần bị cho ngày vua
cho người đến rước. Sử không chép nhà cha mẹ của bà tại đâu, bởi bà là cô ruột
của vua Trần Thái Tông, đã có quý hương Tức Mặc, đổi làm phủ Thiên Trường và
chính sử đã ghi chép rõ ràng ở đầu đời Thái Tông.
Sự kiện bà Trần Thị Dung là Nguyên phi của
vua Lý Huệ Tông (Thái tử Sảm), người thân của bà có 3 người được phong hàm
tước : Cha là Trần Lý tước minh tự, cậu ruột là Tô Trung Từ làm Điện tiền
chỉ huy sứ năm 1209. Anh trai là Trần Tự Khánh tước Thuận Lưu bá năm 1210. Tô
Trung Từ làm Thái úy phụ chính, Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh làm Chưởng Thành hầu
năm 1211. Điểm đáng chú ý là người cậu Tô Trung Từ được phong Điện tiền chỉ huy
sứ, năm sau được thăng làm Thái úy phụ chính, có thể hiểu bà Dung được cha mẹ
gửi gia đình người cậu Tô Trung Từ nuôi dạy, nên mới được hưởng đặc ân này.
Ngoài ra, theo phần Việt ngữ gia phả
Nghệ Tĩnh năm Tân Tỵ 2001, trên cơ sở gia phả chi Yên Hậu, đã viết :
« Cũng từ Yên Sinh làm nghề sông
nước, cứu vớt được thầy địa lý trôi ở dòng sông, được thầy tạ ơn cho một huyệt
đất phát đế vương ... ». Đoạn tiếp dẫn sách Tóm tắt niên biểu lịch sử
Việt Nam của nhà XBVHTT.HN trang 67 : « Cuối đời nhà Lý nổi loạn khắp nơi. Thái tử Sảm chạy loạn về vùng Hải Ấp
ở nhờ vào nhà Trần Lý. Thấy Trần Thị Dung có nhan sắc đẹp xin cưới làm vợ
... ». Phần trực hệ viễn tổ, các cụ chép : « Đời thứ nhất :
Thỉ tổ Trần Quốc Kinh, người Phúc Kiến, Trung Quốc, ... cùng gia tộc sang Việt
Nam, ở xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, làm nghề chài lưới. Sau
dời cư vào tỉnh Sơn Nam, ...
Đời thứ hai : Thế tổ Trần Hấp, con
trưởng của tổ Trần Quốc Kinh, người Bắc quốc cùng cha sang Đông Triều, sau về
Nam Định, phủ Thiên Trường, làng Tức Mặc. Ông bà sinh được 2 con trai, gái
không rõ.
Con trưởng là ông Trần Lý dời cư về ở Hải
Ấp, Thái Bình, làm
nghề chài lưới.
Con thứ Trần Hoàng Nghị về ở ấp Ứng Mão, sinh được 3 người con trai : Trần An
Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang (theo gia phả chi họ Trần thôn Phượng La).
Đời thứ ba : Thế tổ Trần Lý, bà người
họ Tô, con gái Tô Hiến Thành. Ông bà sinh hạ được 3 con trai. Con trưởng Trần
Tự Khánh, con trai thứ 2 là Trần Thừa, con trai thứ 3 là Trần Lễ, con gái là
Trần Thị Dung (Linh Từ quốc mẫu), Trần Thủ Độ là con của Trần Hoàng Nghị, làm
con nuôi ông bà Trần Lý từ ngày nhỏ, được thương yêu như con đẻ.
Những bản gia phả cổ tại Nghệ An, được các
cụ tập hợp, biên soạn vào năm 2001, là vô cùng quý, có giá trị lưu giữ lâu dài,
và là nguồn tư liệu cần thiết đối với những chi họ còn bị thất truyền đâu đó.
Song những hạn nêu trên là không thể tránh khỏi, do bộ phận sưu tập, nghiên cứu
về lịch sử dòng họ chưa được tập hợp rộng rãi, nên nhiều tư liệu chưa được đối
chứng, thẩm định ...
Tóm lại, nếu căn cứ bản gia phả chi họ
Trần thôn Phượng La, hoặc tư liệu truyền khẩu, để xác định ngôi mộ đất, không
có mộ chí là của ngài Trần Hoàng Nghị tại Hải Ấp, Hưng Hà, Thái Bình là thiếu
tính thuyết phục. Song nếu được công nhận, thì những nghi thức lễ hội truyền
thống hàng năm tại Đền Trần, Nam Định vẫn phải được lưu giữ.
Nơi Phủ đệ của ngài Thủ Độ ở Quắc Hương
(địa danh này, ĐVSKTT chép một lần vào năm Thiệu Long thứ 4/1261) là địa bàn nên
khảo cứu, tìm kiếm những mộ chí cổ. Ví như mộ chí của Sử thần Lê Văn Hưu mãi đến
gần đây dòng họ mới tìm lại được.
Bản gia phả của chi họ Trần thôn Phượng
La, theo gia phả Nghệ An trích dẫn, trong đó có đời Trần Hoàng Nghị cách đây
trên 800 năm, là di sản đặc biệt quý. Đề nghị Ban sử phả dòng họ sớm có kế
hoạch thầm định, nhờ các nhà sử học giúp đỡ, đánh giá, xếp hạng nguồn tư liệu
này.
Quảng Nam, ngày 25/01/2013.
Biên soan : TRẦN PHƯỚC
BÌNH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét