Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

THÔNG TIN SỬ PHẢ DÒNG HỌ NGUYỄN TRẦN TỰ TÍN TẠI NAM ĐÀN

Lời người biên tập:

Trong chuyến đi Nghệ An dự lễ giỗ tổ Trần Pháp Độ, bác Trần Phước Bình đã thu thập được nhiều thông tin và tư liệu quý. Trong số tư liệu đó có tài liệu của dòng họ Nguyễn Trần dòng Trần Tự Tín. Theo bác Bình, cụ tổ Trần Tự Tín của dòng họ Nguyễn Trọng gốc Trần, Nam Tân Nam Đàn Nghệ An có những nét tương đồng với cụ tổ Trần Phúc Tín của dòng họ Cao Trần Giao Tiến Giao Thuỷ Nam Định. Sau đây là tư liệu do bác Bình cung cấp:

Tư liệu: HỌ NGUYỄN TRỌNG GỐC TRẦN TỰ TÍN TẠI NAM TÂN.

Hưng suy đốn khỉ hữu Hoàng thiên.
Nguyệt khuyết nguyệt đoàn bán nguyệt huyền.
Nhất phái triều nguyên chương tổ đức.
Phong thanh đàm thủy kích do truyền.
Nhân tâm báng bổ tâm thiên lý.
Thế vận lưu truyền khánh tự nhiên.
Huyết mạch bát sinh nam hữu thất.
Tiền triều văn võ phúc miên duyên.

                           ***
Thốn tam tịch mịch thầm thu sắc.
Nhất bút đan thanh ấn thủy biên.
Thương tình lại bận trần duyên.
Bút đào thảo bức căn nguyên họ Trần.
Lời bản cảnh ân cần tấu tự.
Vốn Trần gia hào cử tôn chi.
Phò triều diệt ngụy từng khi.
Sắc phong rạng tỏ uy nghi Võ hầu.
Sau gặp buổi mưa dầu, nắng lửa.
Cháy cương sơn khôn lửa đá vàng.
Khổ tình buổi ấy khôn bàn.
Bảo nhau sớm liệu tìm đường ẩn thân.
Đổi tên họ ân cần lánh nạn.
Chốn Thanh Trai có bạn đồng minh.
Khóc than khôn xiết sự tình.
                              ***
Gửi con cho bạn một mình lai quê.
Chốn Thanh Bích trưởng tề ba gạ.
Ở Cây Trai một chị bốn em.
Bể kình sóng đã dường êm.
Chẳng hay Trần Thiên vui miền nơi nao.
Nay tra lại ông cao chú chí.
Sự tình đầu chung thủy tấu ngay.
Tấu rằng Trần Thiên những ngày.
Bị quân Loan bắt giết ngày Trung nguyên.
Đem hài thể sơn điêu bỏ mất.
Lâu ngày sau lưu mất bay đâu.
Cứ lời chú chí mấy câu.
Mộ phần ông Thiên gát đầu mà hay.
                         ***
Nay phụng mệnh giải bày sau trước.
Chữ hiếu thành khen được chí tâm.
Mấy phen đốt tấu truy tầm.
Chí thành cảm cách mừng thầm cho ai.
Hiện phụng tự từ đời Khánh - Lạng.
Chốn Từ đường quang rạng mới nêu.
Lại còn Phật tự mấy phen.
Mộ phần kỵ nhật chớ nên xem thường.
Muốn cho trọn cương thường đạo cả.
Lễ chiêu nghinh sắm tạ nên lo.
Nhờ ơn Thần nữ tổ cô.
Ra tay cứu độ chiêu (an) mọi bề.
Đất phúc lộc cũng kề gần đó.
Hỏi tên Ưng chi trưởng họ mình.
Tra lai tổ tích phân minh.
Rồi sau con cháu yên ninh đủ bề.
Trải mấy câu đêm về suy nghĩ.
Nghị cho rành chung thủy nào sai.
Chữ rằng thủy thịnh như lai.
-------------------------------------------------------
                

                  Thủy tổ: TRẦN TỰ TÍN.
                  Sinh Tiên tổ: TRẦN THIÊN
Truyền hạ 7 nam, 1 nữ:
* 1. Nguyễn Xuân Cẩn/ 2*. Nguyễn Trọng Lập
* 3. Thần nữ Tổ cô/ * 4. Nguyễn Trọng Khánh/ 5 *. Nguyễn Trọng Lạng/ 6 *. Nguyễn Trọng Được: ở làng Thanh Đàm (Cây Trai), xã Nam Tân, huyện Nam Đàn.
* 7. Nguyễn Trọng Duệ: ở làng Đa Phúc, xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc.
* 8. Nguyễn Xuân Quý: ở làng Bích Triều (Thanh Bích), xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương.

(Nguyên bản Nam Tân ghi: nguyệt dinh, xin cải nguyệt đoàn, tức trăng tròn / Miên diên, cải Miên duyên: dài lâu).

BÀI LUẬN VỀ HỌ NGUYỄN GỐC TRẦN
TẠI XÃ NAM TÂN (Nam Đàn, Nghệ An)

Bài văn được soạn trên cơ sở kế thừa “Lời Bản cảnh ân cần tấu tự” của Tiên tổ Trần Thiên, nhân sự kiện lập ngôi Từ đường tại Cây Trai, (nay xã Nam Tân) được xác định dưới triều Nguyễn do hai chữ Tiền triều, tức thời hiện tại là triều Nguyễn viết về sự tích thuộc triều Lê – Mạc.
Phần mở đầu:
Câu 1 – 8, đặt vấn đề về sự đời hưng suy đều do nơi Hoàng thiên, dòng họ này đã từng là bực khai quốc công thần “Nhất phái triều nguyên chương tổ đức”, hàm chỉ ngôi vị Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Về sau hậu duệ gặp chuyện không lành, đến nổi lòng người mĩa mai, tiếng xấu vang xa ngàn dặm. Nhưng rồi ông trời có mắt, trăng khuyết, trăng tròn, trăng lại khuyết, hậu duệ nay còn được lưu truyền tốt đẹp và phát triễn tự nhiên.
Phần 2:
Theo lời Bản cảnh tức ngài Sơ tổ để lại: “Vốn Trần gia hào cử tôn chi”, tức nguyên dòng dõi nhà Trần, ngài Trần Tự Tín thuộc nhánh chi tôn cất lên từ vị hào kiệt, con cháu kế nối làm quan nhiều đời “Tiền triều văn võ phúc miên duyên”. Đến năm 1527, nhà Mạc soán ngôi Lê, dòng tộc phò triều diệt ngụy được “Sắc phong rạng tỏ uy nghi võ hầu”, khai lập nên nhà Lê trung hưng. Sau gặp nạn triều đình nên danh tính phải ẩn dấu, sự việc to lớn đến cháy cả cương giới quốc gia, nhiều gia đình Đại thần bị trụi cành, tức bị chém giết đến mức không còn ai sống sót, kể cả đá vàng cũng không qua được lửa.
Nhà Lê trung hưng được khôi phục vào năm 1533, đến năm 1573 xảy ra cuộc chính biến tại thành Tây Đô tại Thanh Hóa, đời vua Trung hưng thứ 3, là Lê Anh Tông (đá vàng) bị quân Trịnh Tùng giết chết tại huyện Lôi Dương vào ngày 22 tháng giêng, và chính sử nhà Lê chép 2 vị quan cận thần của vua là Cảnh Hấp và Đình Ngạn cùng bị hại. Số người bị hại không có danh tính trong sử có lẽ không ít.
Ngài Trần Thiên là con cháu quan đại thần bị hại, may nhờ người thân tín sớm bảo tìm đường ẩn thân. Chạy vào Nghệ An, chốn Cây Trai nhờ gặp bạn đồng minh, có thể hiểu là bạn hiền, người thân tộc đứng về phía cha mình. Ngài khóc than kể lại sự tình, được đồng minh giúp đỡ cải đổi tên họ là Nguyễn Thiên, và tạo điều kiện ẩn cư, sinh sống nơi đất này.
Đến chốn Cây Trai, như chỉ có một thân tổ Thiên, về sau lập gia đình sinh hạ 8 người con, 7 nam, 1 nữ, đều khai họ Nguyễn. Điều này chứng tỏ danh tính Nguyễn Thiên được ghi nơi bộ tịch, bộ đinh của làng Cây Trai, sinh hạ những người con mang họ Nguyễn. Về sau thế phổ chép Trần Thiên. Hán tự thiên : lệch/ Lời nói giúp lời, sự gì xảy ra không ngờ tới gọi là thiên, hoặc thiên : di dời. Vậy, tên húy, tên tự, tước hiệu của Ngài không thể ghi chép lại, nhằm tránh sự liên lụy đến con cháu.
Thời gian trôi qua, cuộc truy xét của triều đình đến đây tạm lắng “Bể kình sóng đã dường êm”, đường con cái đã có người nối dõi, còn một nổi số phận cha mẹ, anh em ai còn, ai mất vẫn canh cánh bên lòng. Ngài bèn phân tán, gửi 8 người con cho bạn nơi làng Thanh Bích và Cây Trai, quyết một thân về lại chốn xưa để biết thực hư. Sự thật đau lòng như đã dự đoán, không một ai còn sống sót nơi quê nhà. Ngài bèn đến cửa thành kêu oan chăng?, lại gặp xa giá nhà vua, nên bị quân Loan tức quân hộ giá nhà vua bắt giết vào ngày rằm tháng 7 (Trung nguyên), thi thể như bị chôn đâu đó gần nơi bị hại. Do đó bài văn viết “Mộ phần ông Thiên gát đầu mà hay”, tức đêm đến gát tay lên trán mà suy ngẫm, tra cứu sách sử mà nhận ra sự tích, qua đó biết nơi ông bị hại cũng chính là nơi có mộ phần. Như vậy, trước khi ra đi ông đã xác định không có ngày về, nên đã viết để lại hậu thế những điều có thể gọi chú chí, tức những điều hệ trọng đời sau con cháu phải để tâm đến, có thể giao cho bà cất giữ về sau con trai trưởng thành thì truyền giáo lại.
Phần kết:
Xác định hậu duệ hai dòng Nguyễn Trọng Khánh và Nguyễn Trọng Lạng đã lập được Từ đường “Hiện phụng tự từ đời Khánh – Lạng”. Như vậy, dưới triều Nguyễn các tổ đương thời đã có lần kêu oan, nhưng triều đình vẫn cố chấp cho là nghịch thần, nên vụ án triều trước vẫn không được xét lại. Do đó, nơi Từ đường chỉ được phụng tự các tổ Khánh – Lạng trở xuống, danh tính 2 đời tổ họ Trần Tự Tín và Trần Thiên vẫn không được công khai thờ tự. Đồng nghĩa với việc không thể thực hiện việc tầm nguyên dòng họ, nên tích xưa vẫn còn nằm trên giấy:
Nhờ ơn Thần nữ tổ cô.
Ra tay cứu độ chiêu (an) mọi bề.
Đất phúc lộc cũng kề gần đó.
Hỏi tên Ưng chi trưởng họ mình.
Tra lai tổ tích phân minh.
Rồi sau con cháu yên ninh đủ bề.
Đất được vua ban cho dòng dõi công thần gọi “đất phúc lộc” cận kề nơi xảy ra chính biến, tức thuộc huyên Lôi Dương, Thanh Hóa.
Ưng : chim ưng, giống chim rất mạnh, chuyên bắt các chim khác ăn thịt, người đi săn thường nuôi nó để săn các chim khác. Vậy, hàm ý của tên Ưng là nói về nhóm người quyền lực nổi lên đã giết hại Trung thần, tức người giết người. Nghĩa bóng: Tra sách sử để nhận biết những Trung thần bị bọn gian thần sát hại, trong đó có tên Chi trưởng họ mình. Từ đó, tra lại dấu tích tổ tông, anh em dòng tộc được phân minh, con cháu về sau sẽ được yên ninh bề thế.
Trải mấy câu đêm về suy nghĩ.
Nghị cho rành chung thủy nào sai.
Chữ rằng thủy thịnh như lai.
Để làm được điều đó, cứ đến đêm về hậu duệ phải suy nghĩ, nghị luận cho rành trước sau, trên cơ sở am hiểu lịch sử các triều, nhất là triều trước, và phải luận bàn, suy ngẫm nhiều đêm mới lần ra đầu mối.
Chữ rằng “Thủy thịnh như lai”, tức trước thịnh sau cũng thịnh, đời sau cố mà tìm cho ra tông tích dòng tộc.
          Điểm đáng chú ý nữa là “Nhờ ơn Thần nữ tổ cô” và “Lại còn Phật tự mấy phen”. Đây là đặc trưng rất riêng, cũng là chi tiết quan trọng trong hành trình truy nguyên dòng tộc đã sinh ra ngài Trần Tự Tín.

Nay tra cứu lịch sử triều Lê được biết, thời Lê Sơ có Thái phó Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn dòng Trần Quang Khải (Trần gia). Đến thời Lê trung hưng từ năm 1533 – 1593, trải qua 4 đời Lê trung hưng chỉ thấy sách sử ghi chép những vị quan họ Trần đỗ Tiến sĩ làm quan cho họ Mạc – Bắc triều, tuyệt nhiên không có vị nào họ Trần là quan Đại thần trung hưng nhà Lê. Hay chăng các vị quan họ Trần ẩn nơi hàng Thượng thư Trung hưng từ năm 1533 - 1570, chỉ thấy chép lần đầu vào tháng giêng, ngày 20: “Vua sắc phong Trịnh Tùng là Trường quận công, Tiết chế các dinh thủy bộ, cầm quân đánh giặc. Hôm ấy Tiết chế Trịnh Tùng hội các tướng, mở tiệc ủy lạo quân sĩ. Vó tướng Vinh quận công Hoàng Đình Ái...........cùng 30 viên tướng hiệu, Văn thần là bọn Lại bộ Thượng thư Từ quận công Nguyễn Đĩnh 12 viên, đều chỉ trời mà thề đồng lòng chung sức...”.
Như vậy, cụ tổ họ Trần, làm quan nhà Lê trung hưng ghi chép nơi gia phả họ Nguyễn gốc Trần như trên, rất có thể là một trong 12 viên Thượng thư đứng sau cụ Nguyễn Đĩnh. Về sau do gặp cuộc chính biến bị hàm oan là nghịch thần, nên không được chính danh trong sử sách.
Theo gia phả dòng Pháp Độ Công xã Thái Xá, con trai Trần Nguyên Hãn, nay thuộc huyện Diễn Châu tiếp giáp với huyện Yên Thành. Có vị tổ Trần Công Ngạn hậu duệ đời thứ 4 của tổ Pháp Độ, được thế phổ họ Cao gốc Trần tại Hòe Nha, nay thuộc xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, Nam Định, xác định Trần Công Ngạn là Trần Quý Công tự Vô Tâm, chính là quan Đại thần Đình Ngạn ghi trong chính sử: do có lời nói khiến vua Anh Tông đang đêm bỏ chạy vào Nghệ An, nên bị khép vào tội làm hại nhà vua..
Thế phổ Nam Định ghi: TRẦN QUÝ CÔNG tự VÔ TÂM sinh hạ:
TRẦN NHẤT LANG tự PHÚC THIỆN.
TRẦN NHỊ LANG tự PHÚC TÍN (Tướng công, lại còn có tên tự Vô Ý).
TRẦN TAM LANG tự CHÂN KHÔNG
TRẦN QUẾ HOA NƯƠNG.
Tổ Phúc Tín tướng công, cải Cao Cái - Cao Quý Công tự Vô Ý, phối bà Hoàng Thị Nhất Nương hiệu Từ Tín, sinh hạ tam nam, Trưởng Cao Nhất Lang tự Chân Tính tập tước Bình Luận Công tảo một vô hậu. Thứ viết Công Bật, Tam viết Quý Lang tự Hiếu Lương tảo một vô hậu. Tứ nữ Cao Nhất Nương hiệu Từ Thanh tục là bà Độ, Nhị hiệu Từ Tại, Tam nương hiệu Từ Minh tục là bà Thọ, Cao Quý Nương Tiên Hoa Nương tục là bà Triều Hữu.
          Thê phổ Nha Chử cho biết cựu quán xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa. Năm gặp nạn phải chạy về Hòe Nha chỉ có “Nhất phụ, nhất tử”, tức Thái tổ Cao Quý Công tự Vô Ý và người con trai thứ là Cao Công Bật tập tước Dự Nghĩa công, bà và những người con trai còn lại ghi mộ tại cựu quán ?
          Qua nghiên cứu nhận thấy về hoàn cảnh lịch sử thế phổ Nam Tân và Giao Tiến có nhiều điểm chung: cùng dòng dõi Trần gia, cùng bị nạn dưới triều Lê trung hưng, phải tìm đường ẩn thân và cải tên đổi họ. Danh tính ngài tổ Hòe Nha ghi tự Phúc Tín, ngài tổ Nam Tân ghi tự Tín. Riêng thế phổ Giao Tiến bằng nghệ thuật dùng chữ các tổ đã cho biết cựu quán: xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, Thanh Hóa, trước khi đến vùng đất Nha Chử.
          Từ đó, nhận định hai thế phổ này có mối quan hệ anh em, có thể cùng một tổ Trần Công Ngạn nơi gia phả Thái Xá vốn dĩ thiên hoàng (Trần gia – Nhà Trần). Ngài là quan Đại thần có công lập nên nhà Lê trung hưng “Vốn Trần gia hào cử tôn chi”, về sau bị hại trong cuộc chính biến năm 1573, mà sử sách ghi Đình Ngạn cùng sự tích với ngài Cảnh Hấp.
          Ngài Cảnh Hấp, rất có thể là họ Nguyễn Cảnh tại huyện Đô Lương, nhưng vì ở xa nên chưa có điều kiện xác minh, thẩm định. Nếu dòng Nguyễn Cảnh còn có tư liệu về ngài Cảnh Hấp thì sẽ bổ sung cho nhau, cùng làm sáng tỏ một sự lớn trong lịch sử.
          Luận về đề tài lịch sử là việc khó, do đó những hán chế và thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Những tư liệu mà họ Nguyễn gốc Trần tại xã Nam Tân còn lưu giữ đến hiện nay là vô cùng quý hiếm và có cơ sở lịch sử khách quan.  
          (Xin đính kèm bản dịch thuật Lời tựa thế phổ Nha Chử để quý vị rộng đường tham cứu, nghị bàn).
                                                                                                Thanh Châu, ngày 07/09/2012.
                                                                                           Nghiên cứu – Biên soạn:
TRẦN PHƯỚC BÌNH (ĐT: 0169.466.0317)
ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ.
(Chép danh tính quan lại người họ Trần)
Tập XVI:
TRANG TÔNG DỤ HOÀNG ĐẾ (1533 – 1548)
TRUNG TÔNG HOÀNG ĐẾ (1549 – 1556)
ANH TÔNG TUẤN HOÀNG ĐẾ (1557 – 1572)
1.     Trang 2b: Năm 1538, họ Mạc mở khoa thi Hội, Trần Toại đỗ tiến sĩ cập đệ.
2.     Trang 9b: Năm 1550, họ Mạc mở khoa thi Hội, Trần Văn Bảo, Trần Văn đỗ tiến sĩ cập đệ.
3.     Trang 11a: Năm 1553, họ Mạc mở khoa thi Hội, Trần Vĩnh Tuy đỗ tiến sĩ cập đệ.

Tập XVII:
THẾ TÔNG NGHỊ HOÀNG ĐẾ (1573 – 1599):
1.     Trang 6a: Năm 1577, họ Mạc mở khoa thi Hội, Trần Như Lâm đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
2. Trang 10a: Năm 1580, tháng 12 họ Mạc sai...Trần Đạo Vịnh,...sang nhà Minh cống hàng năm.
4.     Trang 38a: Năm 1593, Quận công Trần Việt họ Mạc, bị quân nhà Lê bắt chém thủ cấp.
5.     Trang 39a: Năm 1593, quan nhà Mạc: Tham chính Trần Khánh Khuê, Cấp sự trung Trần Văn Tảo, Hàn lâm Trần Phi Nhỡn bị bắt đều giải nộp ở cửa quân.
6.     Trang 60a: Năm 1597, Viên tướng ngụy quy thuận người Sơn Nam là Định quận công Trần Bách Niên chết.
7.     Trang 61b: Năm 1597, Viên tướng địa phương huyện Đông Ngàn là Thuần quận công Trần Đức Huệ và con trai là Trần Đức Trạch tự xưng Sầm quận công mưu làm phản, cùng với....đem con em trốn đi theo đảng ngụy.
8.     Trang 67b: Năm 1598, Tiết chế Trịnh Tùng dâng biểu tâu sai...Chỉ huy sứ Trần Tộ đem hơn một vạn quân đi đánh dẹp..... Sai Thao quận công Trần Chấn... đem quân đánh dẹp...
9.     Trang 69a: Năm 1598, Hữu tướng Hoàng Đình Ái đến thành Lạng Sơn, sai Đô đóc Lâm quận công Trần Phúc đem hơn 1.000 quân đánh phá giặc ở.... Thẳng đến dinh của Kính Cung. Kính Cung sai Phúc Vương đem vợ con rút trước.... Đến nữa đường gặp quân mai phụ của con trưởng Trần Phúc là Nghĩa tráng hầu Trần Thiết nổi dậy đánh.
10. Trang 72a: Năm 1599, Đại lý tự khanh Trần Phúc Hựu chết.

(Từ năm 1533 - 1572, có 3 vị họ Trần đỗ tiến sĩ đều thuộc về họ Mạc. Không có danh tánh người họ Trần có công đầu khai lập nhà Lê trung hưng.
Từ năm 1573 -1599: có 15 vị họ Trần, trong đó chỉ có 4 vị là quan tướng nhà Lê xuất hiện vào năm 1597 về sau)

Trích sao:

      TRẦN PHƯỚC BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét