Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

MỘT VÀI NHẬN THỨC VỀ VIỆC ĐI TÌM PHÁT TÍCH NGUỒN CỘI CAO TRẦN GIAO TIẾN

                                               Cao Nguyên Tắc (đời thứ 13)
Tôi rất mừng khi được đọc nhiều trang thông tin về chuyên đề phát tích của dòng họ Cao Trần Nha Chử (tìm cội nguồn) của các ông, các chú cũng như vừa qua tôi được tiếp kiến cụ Cao Quang Thạnh, vị chủ biên và hiệu đính Gia phả họ Cao Trần Giao Tiến năm 1997.
Tôi nhận thấy nhìn nhận lịch sử cần có sự cẩn trọng và khách quan, đặc biệt chúng ta tiếp thu và thừa kế gia sản văn hóa dòng họ chuyển từ Hán - Nôm sang Việt ngữ có phần tam sao thất bản, mà số tư liệu còn lưu trữ cũng không còn nhiều (Văn tự, các bậc Lão tộc nho gia...). Cụ Cao Quang Thạnh cũng phải đồng ý, vì lịch sử phải là lịch sử. Tôi xin phép được nêu ra một vài ý để các ông các chú cùng nghiên cứu:
 - Trong các trang đầu của gia phả viết chữ Hán Nôm không có thông tin nào viết về Thái Tổ dẫn Thái Tôn từ Thanh Hóa ra Nha Chử năm 1683 (Quý Hợi). Vậy từ đâu? Từ khi dịch từ Hán Nôm sang Việt ngữ và cách tính ngược cứ 25 năm đến 30 năm là một đời, suy ra có số liệu trên. Tư liệu này có và được thừa nhận từ những năm 1960 đến nay. Cách làm này cũng được áp dụng cho việc dịch biên Hòe Nha xã chí và Gia phả các dòng họ khác trong làng, bởi sông Hồng phá hội năm 1787 nhiều dòng họ mất hết miếu đường mồ mả và gia phả như họ Nguyễn cụ Biểu Khải, họ Hoàng Vọng,.. Người dịch biên Hòe Nha xã chí, Hòe Nha lục cũng là cụ Thạnh chủ biên..
 - Nếu Thái Tổ Vô Ý là Trần Công Ngạn, mà Trần Công Ngạn tham gia binh biến Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông lập vua Lê Thế Tông năm Quý Dậu 1573,thì Trần Công Ngạn cùng con thứ chạy ra Sơn Nam hạ lánh nạn phải rơi vào giai đoạn 1573 - 1580, lúc đó Thái Tổ đã cao tuổi, con trai đã trưởng thành (như trong gia phả có ghi)
  - Năm 1713 và năm 1718 không thể là Thái Tôn tự quy Hậu Phật, bởi con nhà nghèo có tiền của đâu mà mua, có chăng là cụ Điện hay cụ Tri  có chức sắc trong làng lại có tiền của mới mua hậu Phật cho tổ tiên mình (phần này trong gia phả Hán Nôm cũng không ghi rõ)?
 - Dòng họ Cao Trần đến nay không phải mới có 15 thế hệ. Dòng trưởng Giáp phái (hậu duệ của cụ Lân ở Hải Hậu) đã có tới thế hệ thứ 18, dòng trưởng Ất phái ở Giao Tiến đã có tới thế hệ thứ 15.
 Mong các ông các chú kết hợp nhiều tư liêu khác tổng hợp luận chứng khoa học hơn để giúp ban lão tộc họ ta hiệu đính chỉnh biên phần phát tích của Thái Tổ Cao Trần Cao quý công tự Vô Ý.
  Chúc ban liên lac họ Cao Trần Giao Tiến tại Hà Nội vui khỏe và thành đạt!

1 nhận xét:

  1. Tôi đồng tình với ý kiến của Cao Nguyên Tắc, việc cung cấp luận chứng khoa học để xác định tổ tiên, việc nhận tổ tiên là một điều rất quan trọng, không thể vội vàng được. Nếu vội vàng sẽ có lỗi với tổ tiên

    Trả lờiXóa