Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Tác giả Cao Trần Nguyên

Ông  Cao Trần Nguyên là cháu đời thứ 12 dòng tộc Cao Trần thuộc cành trưởng, phái thứ (Ất phái), tiểu phái Tổ Cao Đức Bằng.
Ông là tác giả của hai tập thơ "Hoa Lan" và "Nhớ chiều", nhà xuất bản Hội nhà văn. Người biên tập xin mượn lời nhà thơ Bùi Hoàng Tám, trong lời giới thiệu tác phẩm thơ của tác giả Cao Trần Nguyên:

Nhớ chiều - Nhật ký người xa quê  
    Tôi biết Cao Trần Nguyên qua một người bạn đồng nghiệp. Một hôm xuống Hạ Long được anh bạn giới thiệu và dẫn đến nhà ông chơi. Dân võ vẽ văn chương chỉ ngồi với nhau một lát là nhận ra nhau ngay. Nhất là khi ông nói về mê thơ Lục Bát, một thể thơ mà tôi hằng yêu thích.

    Có lẽ chưa bao giờ coi mình là nhà thơ, ông Nguyên làm thơ như người ta chơi cây cảnh hay cá cảnh vậy. Không cầu danh vọng hay lợi lộc văn chương, ông chỉ coi thơ như căn nhà ấm áp để nương tựa vào đó những phút giây đa cảm thông thường, mong muốn có được nhiều hơn nữa những niềm vui cho mình, cho gia đình và cho bạn hữu.
    Sinh năm Kỷ Mão (1939), nghĩa là sống già nửa thế kỉ 20 vắt sang thế kỉ 21, Cao Trần Nguyên đã viết về bạn, về mình… Đôi câu thế thái nhân tình… Bằng những tình tiết đã trải, đã cảm, đã tích luỹ được trong nhiều năm.
     Khi mới tám tuổi, thì người cha thân yêu  của ông đã ra đi khi nước nhà có biến khiến thơ ông dằng dặc nỗi buồn:
Nhớ đêm Mẹ thức thâu canh,
Xóm nghèo ngọn gió chiến tranh đổ về.
Đưa Cha ra tận bờ đê,
Tiễn đi thì có, đón về thì không..
(Nhớ)
Mẹ tôi không được tang chồng,
Cha đi, đi mãi mà không trở về
Chợ chiều họp ở đầu đê,
Chợ tan mà Mẹ chưa về. Đợi cha!
(Mẹ Tôi)
     Rồi  đến những ký ức về tuổi thơ – Câu thơ thường da diết nỗi nhớ:
Vậy mà lòng nổi gió giông
Nhớ ngày cắt cỏ, tắm sông thuở nào.
(Nhớ Xuân)
Nhớ hồng bếp lửa đêm đông,
Mẹ ngồi vá áo, chờ chồng trông con.
(Nhớ)
Con giờ tóc đã điểm hoa,
Ngồi nghe khúc hát dân ca nhớ người.
(Nhớ Mẹ)
     Khi vào tuổi Bốn Chín, người bạn đời rất đỗi yêu thương bỏ ông ra đi mãi mãi giữa lúc những đứa con cần Mẹ nhất: “Con thơ bé, anh dại khờ”… Bài thơ “Khóc Thầm” rất xúc động đã nói về sự mất mát lớn lao này:
Mây đen phủ kín đời mình,
Mười năm ba hạn cực hình em ơi!
Tưởng là đến thế là thôi,
Ai ngờ em bỏ cuộc đời em đi,
Sinh có hạn, tử bất kỳ,
Em đi em chẳng nói gì với anh.
Phận sao, phận mỏng, phận manh,
Hoa sao hoa vội lìa cành hoa rơi.

Rồi đây cuộc sống rối bời,
Nông sâu nào biết đâu nơi bến bờ.
      Ông cũng rất nhạy cảm với những ký ức buồn của bạn bè, chỉ nghe kể lại thôi – Ông cũng đã có những câu thơ lục bát-buồn thương nhớ:
Anh vào trong ấy lâu không,
Nhớ ra chớ để Mẹ trông, em chờ.
Em chờ anh, lỡ xuân thì…
Người chờ trót hứa… Người đi lại về…
(Chờ)
    Một trường hợp khác:
Với nhau một chút tình si,
Chỉ trong gang tấc, em đi về trời.
Tấm hình gửi lại cõi đời,
Sẽ theo ta xuống với người nay mai.
(Tấm hình)
    Thơ là tâm hồn, là tấm lòng -  nhưng nếu chỉ có tâm hồn và tấm lòng vẫn chưa thể có thơ. Để có thơ còn phải nói đến năng khiếu cộng với sự đam mê và vốn ngôn ngữ phong phú. Đặc biệt là với lục bát - một thể thơ bị trói buộc bởi vần điệu: “Làm cho khốc hại chẳng qua vì vần”. Rất mừng là trong tập thơ có những câu thơ khá ấn tượng, nhuần nhuyễn trong cách gieo vần mà hai câu sau đây là một trong các ví dụ:
Mưa Đông không có gió giông,
Chỉ là những hạt bụi bồng bềnh bay.
(Mưa Đông)
     Cách gieo vần lưng (không có-gió giông) và thả vần bằng chữ đầu của một liên từ “bồng bềnh”  và bốn chữ có âm đầu là “B” - bụi bồng bềnh bay – đã thể hiện tác giả cũng là người khá “cao tay ấn “. Tiếc rằng những câu thơ như vậy chưa nhiều.
     Mỗi một nhà thơ, mỗi một bài thơ và mỗi một tập thơ đều mang những sứ mệnh khác nhau. Nhớ Chiều mang dáng dấp của một cuốn nhật ký thông qua những hồi ức của một số phận có những vui buồn khác nhau. Chúng ta ghi nhận điều này ở tác giả…
                                                              
                                              Hà Nội, ngày 1/8/2010
                                                                                       Bùi Hoàng Tám
                                                                     (Hết lời bình)

Ngày 18 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012), Ông Nguyên cùng gia đình về quê Giao Tiến dự lễ tế Tổ dòng Cao Trần, ông đã viết bài thơ "Chị dâu tế Tổ", bài thơ đã được đăng trên trang lucbat.com và trang vanthoViet.com, đồng thời tác giả gửi trực tiếp cho blog hocaotran. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ trên và cảm ơn tác giả Cao Trần Nguyên

Tặng Chị K dâu họ Cao Trần

Chị về tế tổ họ tôi
Bước lên, lùi xuống theo hồi trống rung...

Lệnh chầu: Dâng rượu - cúc cung
Khoan thai chị bước, ung dung chị chầu...

Áo xiêm vàng óng một mầu
Chân đi hài tía, đội đầu khăn xanh
...
Giá mà đừng có chiến tranh
Chị về tế tổ có anh cùng về.


Ngày 18 tháng Giêng Nhâm Thìn
giỗ tổ họ: Cao Trần. Giao Tiến. Giao Thủy. NĐ
____________________

Tác giả Cao Trần Nguyên
Email: caotrannguyen@yahoo.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét